3 kiểu mẹ bầu không chỉ khiến cuộc sinh nở có thể trở nên khó khăn, thậm chí còn gây nguy hiểm cho các y bác sĩ.
Trước khi vào phòng sinh, các sản phụ đều phải qua bước cung cấp thông tin, trong đó bao gồm hết tất cả các vấn đề mà bản thân đã và đang gặp phải trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số mẹ bầu vì lý do nào đó lại không nói thật làm các y bác sĩ giận "phát hờn”, đặc biệt là 3 kiểu mẹ bầu sau đây:
1. Không đi khám thai định kỳ và giấu bệnh
Việc khám thai định kỳ rất quan trọng vì dựa vào đó các bác sĩ sẽ theo dõi được sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Song, có một số mẹ bầu không đi khám thai đúng định kỳ, thậm chí cả 9 tháng mang thai nhưng chỉ đi khám 2,3 lần cho đến khi vào bệnh viện sinh. Theo bác sĩ, hành động này rất nguy hiểm, vì nếu lỡ xảy ra các biến chứng như tiểu đường trong thai kỳ, tiền sản giật, em bé bị dây rốn quấn cổ… thì sẽ rất khó để cấp cứu kịp thời.
Chưa kể, nếu người mẹ mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm nào đó, chẳng hạn như HIV… nhưng lại không khai báo bệnh ra sẽ có thể khiến nhân viên y tế bị lây nhiễm trong quá trình đỡ đẻ. Do đó, trong quá trình khai thông tin trước khi sinh, mẹ bầu nên thành thật khai báo các tình trạng của bạn thân, nhất là không được giấu bệnh.
Mẹ bầu không nên giấu bệnh, tiền sử nạp phá thai, mang thai và sinh con của mình với bác sĩ (Ảnh minh họa).
2. Che giấu tiền sử nạo phá thai, mang thai và sinh con
Có một số chị em cho rằng chuyện nào phá thai, lần mang thai và sinh con thứ mấy là chuyện riêng của bản thân nên sẽ không nói rõ ràng với bác sĩ ngay trước khi vào phòng sinh. Song, bạn nên biết rằng nếu bác sĩ không biết lịch sử nạo phá thai, lần mang thai và sinh con này là thứ mấy của bạn thì họ không thể đánh giá chính xác được những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Vì thế, bạn không nên giấu bác sĩ những thông tin này.
3. Không tin tưởng bác sĩ
Đối mặt với sản phụ có thái độ không tin tưởng mình, các bác sĩ đều cảm thấy “chán ngán”. Bởi một lẽ vì không tin tưởng, mẹ bầu sẽ không lắng nghe và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, khiến cuộc chuyển dạ sẽ kéo dài và trở nên khó khăn. Thấy vậy, các chị em lại càng được nước lấn tới, lên tiếng la mắng, nhục mạ bác sĩ vì cho rằng mình đã nói đúng.
Suy cho cùng, bác sĩ đều là người đã trải qua trường lớp và được đào tạo bài bản trước khi được cấp bằng và vào bệnh viện để làm việc. Thế nên, thay vì không tin tưởng bác sĩ, các mẹ bầu nên hợp tác cùng bác sĩ, không nên giấu bệnh và lịch sự mang thai, sinh nở của mình.
Mẹ bầu nên lắng nghe và hợp tác với bác sĩ thay vì chống đối do không tin tưởng. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, trước khi vào phòng sinh, các mẹ bầu nên lưu ý một số điều sau:
- Chú ý đến những thay đổi về thể chất: Mỗi một giai đoạn chuyển dạ, mẹ bầu sẽ có những cơn đau và cảm giác khác nhau. Vì vậy, bạn nên theo dõi sự thay đổi của cơ thể và thông báo kịp thời đến nhân viên y tế để bác sĩ có hướng giải quyết.
- Ăn uống đầy đủ: Tuy rằng trong cơn đau chuyển dạ, chẳng mẹ bầu nào còn tâm trạng ăn uống. Nhưng nếu bạn không ăn uống, bạn có thể sẽ bị kiệt sức khi vào phòng sinh. Do đó, bạn nên ăn một ít bánh hay socola, uống thêm 1 ly sữa để duy trì năng lượng.
- Tháo bỏ hết nữ trang trước khi vào phòng sinh: Bạn nên tháo hết các trang sức có trên người xuống, kể cả vòng tay hoặc nhẫn. Bởi trong quá trình sinh, bạn có thể bị sung huyết khiến các bộ phận như ngón tay bị sưng tấy lên. Và nếu bạn còn đeo vòng tay hoặc nhẫn thì nó có thể gây tắc nghẽn, cản trở quá trình tuần hoàn máu, thậm chí dẫn đến tình trạng hoại tử mô.
Ngoài ra, khi đã vào phòng sinh, bạn nên điều chỉnh hơi thở để tránh cảm giác hồi hộp và giảm cảm giác đau khi cơn co thắt đến. Hãy hít thở càng sâu càng tốt. Sau đó, lắng nghe sự hướng dẫn của y bác sĩ và phối hợp với họ để quá trình chuyển dạ được đẩy nhanh. Hạn chế la hét mỗi khi cơn đau đến để tránh bị mất sức. Và sẽ nhanh thôi, bạn sẽ được gặp con của mình.