Vì nghĩ lần trước mang thai con gái không gặp phải vấn đề gì nên mẹ bầu này i ỉ không nghe theo lời dặn của bác sĩ.
Lần đầu mang thai, các mẹ bầu đều bỡ ngỡ và lo lắng nên sẽ chịu khó đi khám thai thường xuyên. Tuy nhiên, trong lần mang thai tiếp, một số mẹ bầu sẽ trở nên lười đi khám thai. Thứ nhất là vì biết các cột mốc khám thai quan trọng nên sẽ chỉ đi khám tại mỗi thời điểm đó, còn lại thì bỏ qua. Thứ hai là vì tâm lý i ỉ, đứa đầu không sao thì đứa thứ 2 cũng sẽ như thế. Song, chính vì không đi khám thai thường xuyên mà đã có nhiều tình huống xảy ra nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi con gái đầu lòng vào lớp 1, Tiểu Hứa (30 tuổi, sống ở Thường Châu, Trung Quốc) có bầu lần 2. Vì mang song thai nên sức khỏe của mẹ bầu này tương đối yếu, cô phải nghỉ việc ở nhà để vừa chăm sóc con gái, vừa dưỡng thai. Mọi gánh nặng kinh tế đều đổ dồn lên vai anh chồng.
Thương chồng vất vả, lại nghĩ lần trước mang thai cũng chẳng có vấn đề gì nên Tiểu Hứa rất ít khi đi khám thai. Đến tháng thứ 5, bác sĩ yêu cầu cô chịu khó đi khám 2 lần/tuần vì sức khỏe của cả thai phụ và em bé đều không được tốt cho lắm, lại còn có khả năng bị thiếu ối nên lại càng phải theo dõi chặt chẽ. Song, Tiểu Hứa vẫn không đến khám đều đặn.
Mang bầu tháng thứ 5, bác sĩ yêu cầu Tiểu Hứa đi khám thai 2 tuần/lần vì cô có nguy cơ bị thiếu ối, song mẹ bầu này phớt lờ không làm theo lời dặn (Ảnh minh họa).
Còn 2 tuần nữa là đến ngày dự sinh, mẹ bầu đột nhiên cảm thấy hơi khó thở, đồng thời, thai nhi trong bụng cũng không chuyển động nhiều như trước đây. Thế nhưng, vì chồng đi công tác, không thể bỏ mặc con gái và nhà cửa được nên Tiểu Hứa không đến bệnh viện kiểm tra vì cô biết nếu đến đó chắc chắn bác sĩ sẽ bắt cô nằm viện theo dõi.
5 ngày sau chồng về, bà mẹ này liền bảo chồng đưa mình vào viện khám. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện nước ối của thai phụ đã gần cạn và đục ngầu, thai nhi đang gặp nguy hiểm nên cần phải được mổ khẩn cấp. May mắn là ca mổ thành công, hai em bé đã hồi phục sức khỏe sau 2 ngày nằm trong lồng ấp. 5 ngày sau, ba mẹ con Tiểu Hứa được xuất viện về nhà.
Ngay cả khi người khó chịu và thai nhi ít hoạt động, mẹ bầu này vẫn đợi chồng đi công tác về mới vào viện khám. Kết quả là nước ối đã cạn và đục, em bé đang gặp nguy hiểm (Ảnh minh họa).
Vài ngày sau đó, bà mẹ 3 con bỗng phát hiện ra một trong hai đứa con sinh đôi của mình có nhiều biểu hiện lạ, hoàn toàn không giống với những đứa trẻ bình thường khác. Lo lắng, Tiểu Hứa liền đưa con vào bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ thông báo em bé bị bại não do thiếu oxy và bị ngạt khi còn ở trong bụng mẹ. Do đó, em bé cần nằm viện để theo dõi và chữa trị.
Nghe đến đây, Tiểu Hứa gần như gục ngã, cô không ngừng khóc khi nghĩ tất cả chuyện này đều do mình gây ra. Chỉ vì lười đi khám thai mà cuối cùng con trai cô đã bị bại não. Tương lai của con mờ mịt không biết sẽ ra sao khiến Tiểu Hứa hối hận vô cùng.
Cũng nhân câu chuyện này, bác sĩ cho biết khám thai là một việc quan trọng mà các mẹ bầu cần tuân thủ đầy đủ và đúng định kỳ. Đừng vì tiếc một chút tiền hay thời gian đi khám thai mà sau này phải ôm hối hận như chồng của sản phụ Tiểu Ly như câu chuyện trên. Vì khám thai mang đến 5 lợi ích to lớn sau đây:
1. Ghi lại quá trình mang thai một cách chính xác giúp quá trình sinh nở được an toàn
Khám thai không chỉ cho các bác sĩ biết về sự phát triển của thai nhi mà còn giúp họ dự đoán được các tình huống tiềm năng có thể xảy ra từ đó tìm các phương án để hạn chế các tình huống đó. Đồng thời, trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ giải đáp các thắc mắc lo lắng của mẹ bầu, thông báo trước các tình huống tiềm năng có thể xảy ra để thai phụ và gia đình biết cách phòng tránh hoặc chuẩn bị trước.
2. Giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ và khuyết tật ở thai nhi
Các vấn đề như tiểu đường, huyết áp cao, tiền sản giật… hoàn toàn có thể được dự đoán trước thông qua quá trình khám thai. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên để mẹ bầu phòng tránh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, khám thai đúng định kỳ còn giúp bác sĩ tầm soát được các bất thường ở thai nhi như bệnh Down, dị tật bẩm sinh ở tuần thứ 15-19….
3. Tư vấn mẹ bầu tiêm phòng đầy đủ
Trong quá trình mang thai, các tế bào bạch cầu của người mẹ đóng vai trò là tuyến bảo vệ đầu tiên cho thai nhi. Vì vậy, nếu được bác sĩ tư vấn trước nên tiêm những loại vắc xin nào để phòng tránh một số bệnh trong khi bầu bí thì sức khỏe mẹ bầu và thai nhi sẽ được bảo vệ tốt hơn.
4. Đưa lời khuyên dinh dưỡng chính xác
Chế độ ăn uống của mẹ bầu cần có những thay đổi tùy theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của em bé. Do đó, trong lúc khám thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn về chế độ ăn uống bao gồm ăn bao nhiêu, nên và không nên ăn gì.
5. Theo dõi sự phát triển của em bé
Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ là một chỉ báo tốt về sức khỏe của chúng. Trong các cuộc hẹn khám thai, bác sĩ sẽ kiểm tra tốc độ phát triển của em. Dựa vào đó, họ sẽ đưa ra một số lời khuyên cần thiết cho các mẹ bầu nếu em bé chậm lớn hay lớn quá nhanh.