Bé P. được sinh tại nhà, gia đình tự dùng kéo để cắt dây rốn cho trẻ. Khoảng 1 tuần sau sinh, bé quấy khóc liên tục, bỏ bú, co giật toàn thân, gồng cứng người.
Ngày 7/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công, cứu sống bệnh nhi X.D.P (là con thứ 4 trong gia đình ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn) bị uốn ván nặng.
Bệnh nhi chào đời đủ tháng, được sinh tại nhà, người thân tự đỡ đẻ cho sản phụ. Sau sinh, gia đình tự cắt dây rốn cho trẻ bằng kéo thường.
Những ngày tiếp theo, trẻ bú kém, ngủ li bì. 3 giờ sáng ngày 13/7, bé quấy khóc liên tục, bỏ bú, co giật toàn thân, gồng cứng người. Gia đình đã đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, sau đó chuyển tuyến cấp cứu xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Qua thăm khám, khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết, gia đình đã tự sử dụng kéo để cắt rốn cho trẻ; trong quá trình mang thai, mẹ bé không tiêm phòng uốn ván…
Bệnh nhi được bác sĩ xác định bị uốn ván rốn và được cách ly điều trị riêng tại khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh trong môi trường phòng bệnh kín, tránh ánh sáng, tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe bé P. đã được phục hồi
Từ trước tới nay, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn là rất cao. Bệnh nhi được theo dõi, chăm sóc sát sao và điều trị tích cực bằng các phương pháp thở máy, trung hòa độc tố uốn ván bằng kháng huyết thanh SAT, kháng sinh, kiểm soát co giật và co cứng cơ bằng các loại thuốc an thần kết hợp.
Sau 40 ngày điều trị hồi sức tích cực, bé P. đã cai được máy thở, tự thở, tự bú, hết tình trạng nhiễm trùng, hết co giật. Bệnh nhi đã được cho xuất viện về nhà.
BSCKII Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh cho biết: “Uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao do suy hô hấp cấp và nhiễm trùng. Uốn ván rốn xảy ra với bé X.D.P có thể do dụng cụ cắt rốn tại nhà không đảm bảo vô trùng, môi trường chăm sóc trẻ sơ sinh không sạch sẽ. Hiện tại, số lượng bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván đã giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, khi trẻ đã mắc phải, thì tỷ lệ trẻ được cứu sống rất thấp vì mức độ nguy hiểm của bệnh”.