Có 3 tình huống sinh con dù không muốn, các mẹ vẫn phải chấp nhận vì không có cách nào khác, chỉ mong chồng và người nhà hiểu cho mình.
Chúng ta thường hay nói rằng sinh nở là điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho các bà mẹ. Thế nên, chịu khó bị đau một chút để sinh con theo bằng hình thức sinh thường sẽ tốt cho sức khỏe của cả mẹ lẫn bé hơn là sinh mổ hay phải nhờ đến các biện pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên trên thực tế, không có bất kỳ ai có thể đo đếm được sự đau đớn mà các bà mẹ phải chịu đựng trong quá trình chuyển dạ. Thế nhưng, quá trình sinh nở kéo dài đau đớn đã đành, đôi lúc các sản phụ còn gặp phải một số tình huống mà bản thân họ không hề mong muốn, nhưng đổi lại họ không hề nhận được sự an ủi hay quan tâm từ người thân, thậm chí các bà mẹ này còn bị chì chiết là “không biết đẻ con”.
Nhìn vết hắn trên mặt của cháu nội mới sinh, mẹ chồng buông lời nặng nhẹ trách con dâu
Tiểu Du là một bà mẹ Trung Quốc vừa sinh con cách đây không lâu. Song, cái trải nghiệm tuyệt vời là sinh nở như người ta nói dường như không tồn tại với cô. Ngược lại, sau khi sinh con, Tiểu Du luôn phải nghe những lời trách móc của mẹ chồng chỉ vì không thể tự mình sinh con mà phải nhờ sự hỗ trợ của kẹp forceps.
Nhớ lại quá trình sinh nở của mình, Tiểu Du chia sẻ rằng bản thân luôn muốn tự sinh con theo phương thức tự nhiên. Nhưng tử cung của cô đã mở rất chậm. Đã hai giờ trôi qua mà bác sĩ chỉ nhìn thấy một chút ít phần đầu của em bé.
Tử cung mở chậm nên bác sĩ đành phải hỗ trợ Tiểu Du sinh con bằng kẹp forceps.
Thấy tình hình của thai nhi ngày càng xấu, bác sĩ lại càng thúc giục Tiểu Du rặn mạnh. Song dù có cố gắng thế nào thì em bé vẫn bị mắc kẹt trong ống sinh. Vì sự an toàn của cả mẹ và bé, bác sĩ đã khuyên Tiểu Du nên chấp nhận sinh con với sự giúp đỡ của kẹp forceps. Không còn lựa chọn nào khác, cô đành gật đầu đồng ý.
Sau khi nhìn vết hằn trên mặt của đứa con mới sinh, Tiểu Du đã bị dằn vặt. Cô tự trách mình là một bà mẹ tồi khi không thể tự mình sinh con. Cộng thêm những lời chì chiết từ mẹ chồng, dường như tội sinh con bằng kẹp forceps của Tiểu Du càng thêm nặng.
Nhìn vết hằn trên mặt cháu nội, mẹ chồng Tiểu Du buông lời nặng nhẹ với con dâu.
Sinh nở - nghe thì đơn giản, tưởng ai cũng giống như ai, nhưng thật ra nó lại là câu chuyện riêng của mỗi người phụ nữ. Tùy vào vóc dáng, sức khỏe, tình trạng của bà mẹ và thai nhi… mà sẽ có người sinh con dễ như “gà đẻ trứng”, nhưng cũng lại có người khó sinh.
Và có 3 tình huống sinh con dù không muốn, các mẹ vẫn phải chấp nhận vì không có cách nào khác, chỉ mong chồng và người nhà hiểu cho mình.
1. Sử dụng phương pháp đẻ không đau
Theo một số nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết đau đẻ là cơn đau được ví như bị gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc. Không những thế, nó còn khiến các sản phụ bị kiệt sức, mệt mỏi vì thời gian chuyển dạ kéo dài. Do đó, để các bà mẹ cảm thấy thoải mái trong quá trình sinh nở, các nhà nghiên cứu đã tìm ra phương pháp giúp họ giảm đau, đó là sử dụng phương pháp gây tê màng cứng hay gọi nôm na là phương pháp đẻ không đau.
Thế nhưng không phải người nào cũng hiểu về mục đích này. Nhiều người cho rằng bà mẹ nào đẻ không đau thì vẫn là không biết đẻ vì không cảm nhận được sự linh thiêng của quá trình sinh con. Song, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rằng mình đã kiệt sức đến mức nào khi quá trình chuyển dạ kéo dài, và nếu không sử dụng phương pháp này có lẽ họ đã chẳng còn sức lực để sinh con.
Gây tê màng cứng là phương pháp được nhiều chị em sử dụng để có một trải nghiệm sinh nở thoải mái hơn (Ảnh minh họa).
2. Sinh mổ
Trước khi bước vào thời khắc “lâm bồn”, bao giờ bác sĩ cũng tư vấn xem thai phụ nên sinh thường hay sinh mổ dựa trên điều kiện sức khỏe và tình hình hiện tại của cả bà mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, trong quá trình sinh thường, có một số sự cố xảy ra như tử cung không mở, thai nhi quá to, khung xương chậu quá nhỏ, hay thai nhi gặp nguy hiểm… nên các bác sĩ đã phải chuyển qua sinh mổ. Quá trình này khiến người mẹ phải chịu 2 lần đau đớn.
Những tưởng rằng các bà mẹ đã cố gắng hết sức, cố gắng gồng mình chịu đựng hai cơn đau, đau đẻ và đau vết mổ, rồi thì sẽ được chồng và người nhà quan tâm hơn. Ai ngờ, đến cuối cùng điều mà họ nhận được lại là những lời dèm pha, trách móc từ người thân. Rằng "chỉ có đẻ thôi cũng không xong".
3. Bác sĩ đỡ sinh là nam giới
Ngày nay việc có nhiều bác sĩ nam làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa là rất phổ biến. Họ là những người bác sĩ có tâm, luôn hết lòng phục vụ cho bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, hầu hết các sản phụ đều ngại ngùng và yêu cầu đổi bác sĩ nếu biết người sẽ phụ trách ca sinh của mình là bác sĩ nam.
Song, nếu đây là một ca sinh khẩn cấp thì rất khó để sản phụ lựa chọn được bác sĩ cho mình. Nên họ rất mong chồng không quá để ý nếu bác sĩ nam có mặt trong phòng sinh của vợ.