Ông bố trẻ tự tin cùng vợ vào phòng sinh, nhưng con chưa chào đời đã phải ngồi xe lăn ra ngoài.
Ngày nay, nhiều bệnh viện có dịch vụ phòng sinh gia đình, cho phép người thân ở bên sản phụ trong lúc vượt cạn để động viên tinh thần, tiếp thêm sức mạnh. Và người thường được "chọn mặt gửi vàng" để đảm đương trách nhiệm này đương nhiên là người chồng. Vậy nhưng có vẻ như không phải anh chồng nào cũng đủ sức đảm đương nhiệm vụ trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ khi vượt cạn.
Mới đây, một câu chuyện xảy ra trong khoa phụ sản của một bệnh viện tại Trung Quốc đã được chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút đông đảo sự chú ý. Câu chuyện kể về một ông bố tương lai yêu vợ thương con, tự tin theo vợ vào phòng sinh để động viên tinh thần cô trong lúc vượt cạn đau đớn. Vậy nhưng khi vợ vẫn đang gáo thét vì đau, y bác sĩ thì tập trung đỡ đẻ, con còn chưa chào đời thì anh chồng đứng bên cạnh đã bủn rủn tay chân, không đứng nổi và cuối cùng phải cấp bách nhờ y tá dùng xe lăn đẩy ra ngoài.
Ông bố trẻ chưa kịp nhìn con chào đời thì đã phải ra ngoài bằng xe lăn.
Chắc hẳn anh chồng này đã không tưởng tượng được khung cảnh trong phòng sinh lại "kinh khủng" đến như vậy. Nào là máu, nào là tiếng khóc lóc, kêu gào vì những cơn đau đẻ của vợ. Rồi ánh đèn trắng lóa, những dụng cụ y tế va chạm loạch xoạch nghe thôi đã rợn cả người. Các y bác sĩ mặc trang phục trắng, đi lại như con thoi, gấp gáp, vội vã. Tất cả tổng hòa tạo nên một khung cảnh có sức uy hiếp lớn đối với tinh thần anh. Chưa kịp nói với vợ được câu an ủi nào thì anh đã hoa mắt chóng mắt, chân mềm nhũn như sắp ngất vội vã nhờ giúp đỡ. Nữ y tá không muốn phiền thêm các y bác sĩ đang tập trung đỡ đẻ khác dìu anh ra ngoài nên đành lấy chiếc xe lăn để sẵn trong phòng đẩy anh ra.
Gia đình đứng đợi bên ngoài thấy cánh cửa phòng sinh bật mở thì vui mừng nghĩ em bé đã chào đời thành công nhưng ai ngờ người được đẩy ra lại là anh chồng mặt trắng bệch, thẫn thờ vì sợ hãi.
Cảnh tượng trong phòng sinh đã khiến anh chồng này sợ hãi đến không đứng nổi.
Câu chuyện "dở khóc dở cười" lập tức khiến cư dân mạng bàn tán không ngớt.
- Đàn ông cao to thế mà thấy máu đã choáng váng. Kiếp sau để anh ta sinh con đi cho biết mùi!
- Chị họ tôi sinh con, chồng chị ấy vào phòng sinh còn ngất ngay tại trận cơ!
- Qua vụ này ông chồng này thể nào cũng bị bóng ma tâm lý! Tốt nhất không nên cho đàn ông vào phòng sinh.
- May anh ta không phải phụ nữ, nếu không mỗi tháng sẽ bị choáng váng mấy ngày!
- Lúc tôi đẻ, chồng tôi vẫn cố cầm cự được nhưng nhìn sắc mặt xem chừng cũng khiếp đảm lắm!
Trên thực tế, không phải ông bố nào cũng thích hợp để vào phòng sinh cùng vợ. Đặc biệt, những người có bệnh sợ máu, huyết áp cao hay nóng tính, không tuân theo sự sắp xếp của bác sĩ đương nhiên không nên để đi sinh cùng vợ vì dễ gây rắc rối thêm.
Không phải anh chồng nào cũng phù hợp để vào phòng sinh cùng vợ.
Các bác sĩ chia sẻ để có một ca "vượt cạn có đôi" suôn sẻ, người chồng cần lưu ý 3 vấn đề sau:
- Học tiền sản, làm quen với quy trình sinh con: Sợ hãi là tâm lý chung của con người khi đến một môi trường xa lạ, đặc biệt là còn nhiều máu, thuốc sát trùng, dụng cụ y tế như phòng sinh. Chính vì vậy, người chồng nên làm quen trước với môi trường này, tham gia những buổi học tiền sản để hiểu rõ quy trình sinh con.
- Chuẩn bị tâm lý: Khi được vào phòng sinh cùng vợ, người chồng sẽ trở thành trụ cột tinh thần cho sản phụ đang trong cơn đau đớn. Chính vì vậy, chồng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, bình tĩnh. Khi người chồng nóng nảy, lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của bác sĩ cũng như tâm lý của người mẹ.
- An ủi vợ bằng lời nói, hành động: Khi đang trong cơn đau đớn, người vợ rất cần được an ủi, động viên bằng cả lời nói và hành động. Trong lúc này, nếu người chồng chỉ im lặng quan sát thì sẽ chẳng giúp đỡ được gì, hãy nhẹ nhàng nắm tay, tâm sự, ổn định tâm lý cho vợ. Những hành động như vuốt tóc, lau mồ hôi cũng sẽ giúp người mẹ đang sinh con có thêm động lực.