Sáng nay 14/8/2023, tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, một sản phụ đã sinh thường em bé nặng 4,8kg.
Cụ thể, sản phụ Nguyễn Thị H. mang thai lần 3 vào viện vì có dấu hiệu chuyển dạ sinh. Tại bệnh viện, chị H. được bác sĩ Nguyễn Thị Thu Nghĩa - Trưởng khoa Sản 3 trực tiếp thăm khám. Khi siêu âm, em bé ước đạt 4,4kg.
Tuy nhiên sau khi hội chẩn cho sản phụ mang thai lần 3 này, các bác sĩ nhận định thai to hơn siêu âm ước đạt 4,6-4,7 kg. Mặc dù vậy, nhận thấy sản phụ có sức khỏe tốt, khung chậu tốt nên các bác sĩ vẫn quyết định cho sản phụ được sinh thường.
Suốt hành trình vượt cạn, với sự quyết tâm của sản phụ H. và sự có mặt đồng hành của đội ngũ bác sỹ, hộ sinh khoa Sản 3, bên cạnh đó là sự phối kết hợp các phương pháp giảm đau tích cực trong chuyển dạ, sản phụ H. đã sinh thường thành công. Một em bé sơ sinh đã chào đời với cân nặng 4,8kg.
Chị H. đã sinh con bằng phương pháp đẻ thường với cân nặng 4,8kg.
Những nguy cơ khi sinh thường thai to
Theo các bác sĩ sản khoa, đối với những em bé có cân nặng bình thường từ 2,8 tới khoảng 3,5kg, sinh thường chính là phương pháp tốt nhất cho các thai phụ.
Tuy nhiên đối với những trường hợp cân thai nhi nặng hơn 4kg và sức khỏe người mẹ không đảm bảo khả năng sinh thường, bác sĩ phải khuyên nên sinh mổ để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con. Nguyên nhân là do khung xương chậu người châu Á khá bé, thai nhi to trên 4kg trở lên sẽ to và gây khó khăn trong việc sinh nở.
Ngoài ra, trường hợp mẹ sinh con đầu lòng sẽ khó khăn hơn so với những bà mẹ sinh con vài lần. Do đó, khi trọng lượng thai nhi từ trên 3,5kg, bác sĩ cũng phải theo dõi rất sát và bàn bạc xem nên cho sản phụ đẻ mổ hay đẻ thường.
Thực tế, thai nhi phát triển quá to ngay từ trong bụng mẹ không phải là điều tốt ngược lại đã tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho cả 2 mẹ con.
Theo đó, nếu thai nhi phát triển quá to khi mang bầu sẽ khiến tử cung kích thước rất lớn, gây chèn ép cơ hoành và làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở.
Chưa kể, thai to còn chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Đặc biệt thai to khi sinh thường việc sinh đẻ bằng đường tự nhiên càng khó khăn.
Bởi khi sinh thường, thai to quá sẽ khiến trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai. Nhiều trường hợp bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn giúp lấy trẻ ra ngoài nhanh.
Việc kéo dài thời gian sinh và bị chảy máu do tổn thương tầng sinh môn khiến người mẹ dễ có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa khi sinh.
Thai nhi quá to khi sinh ra sẽ khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phát sinh và phải điều trị tại viện dài ngày.
Bên cạnh đó, mẹ bầu có thai to dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn…
Vì thế khi mang bầu bị thai to, mẹ nên đi thăm khám đều đặn để nhận được những lời khuyên thiết thực, từ đó quyết định đẻ thường hay mổ.