Bác sĩ Hùng cho biết, hiện nay vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng dây rốn bám màng vì chưa rõ cơ chế bệnh sinh trong quá trình phát triển của thai nhi.
Khi theo dõi thai kỳ cho mẹ bầu Phạm Thu Hương ở Hà Nội, bác sĩ CKI Nguyễn Trọng Hùng, tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa và là chuyên gia trong lĩnh vực sản phụ khoa ở Hà Nội phát hiện ra mẹ bầu này có dây rốn bám màng, không bám giữa bánh rau như bình thường. Ngoài ra, mẹ bầu này có 2 bánh rau.
Vì hiện tượng này mà dinh dưỡng cho thai ít và tăng nguy cơ tai biến khi sinh thường. Việc theo dõi thai kỳ cần hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ. Bản thân mẹ bầu luôn nghe theo tư vấn của bác sĩ, đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ đứt dây nhau có thể xảy ra ngay khi có những cơn co tử cung đầu tiên.
Dây rốn bám màng cùng 2 bánh rau. (Ảnh: BSCC)
“Phát hiện dây rốn bám màng và có 2 bánh rau đã giúp bác sĩ sản khoa như mình chủ động, kịp thời trong việc lên phương án theo dõi thai phù hợp, chuẩn bị các tình huống xử lý trong tình trạng khẩn cấp. Không ngoài dự đoán trước, từ tuần 36 trở đi, trọng lượng thai tăng chậm. Khi thai 39 tuần biểu hiện giảm tuần hoàn bánh rau, gia đình mẹ bầu quyết định mổ lấy thai và may mắn ca mổ sinh đã mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Hùng nói.
Khi mổ đẻ xong và tận mắt được nhìn bánh rau của mình, sản phụ mới sinh đã phải thốt lên: “Giờ em mới tin là mình có 2 bánh rau và bị dây rốn bám màng bác sĩ ạ”.
Chia sẻ về trường hợp dây rốn bám màng và 2 bánh rau của sản phụ Hương, bác sĩ chuyên khoa này nhận định đây là trường hợp rất hy hữu.
Bác sĩ Hùng cho biết, thông thường mỗi thai có 1 bánh rau và dây rốn sẽ bám ở giữa hoặc rìa bánh rau, đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, ở thai phụ Hương lại được phát hiện có 2 bánh rau riêng biệt nằm gần nhau dù kích thước bánh rau nhỏ.
Chuyên gia sản phụ khoa này cũng cho biết, khi có hiện tượng dây rốn bám màng, dây rốn của thai nhi sẽ chèn bất thường vào rìa của bánh nhau dọc theo màng nhau - ối khiến các mạch máu của thai nhi phải hoạt động mà không có sự bảo vệ của nhau thai cho đến khi chúng kết nối với nhau tại dây rốn.
Dây rốn bám màng được coi là biến chứng thai nghén nguy hiểm chiếm khoảng 1% các trường hợp mang thai đơn và 15% các trường hợp mang thai đôi. Hiện tượng này gây cản trở việc hấp thụ thức ăn nuôi dưỡng thai nhi hay nói cách khác thai chỉ hấp thu được khoảng 30% các dưỡng chất cần thiết gây ra suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hay thai lưu bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn những trường hợp mẹ bầu bị dây rốn bám màng trong giai đoạn chuyển dạ, những cơn gò tử cung có thể làm rách màng ối, đứt dây nhau và cắt đứt nguồn máu nuôi thai khiến thai bị ngạt, mất tim thai đột ngột khi vẫn còn trong bụng mẹ.
Bánh rau bình thường.
Bên cạnh đó, các bất thường của vị trí bám còn làm gia tăng nguy cơ phải đối mặt với các bệnh lý như nhau bong non, nhau tiền đạo, tiền sản giật,... nguy hiểm cho thai phụ.
Bác sĩ Hùng cho biết, hiện nay vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng dây rốn bám màng vì chưa rõ cơ chế bệnh sinh trong quá trình phát triển của thai nhi. Do đó các mẹ bầu nên đi thăm khám thai kỳ định kỳ và siêu âm thai để phát hiện sớm bệnh và được theo dõi kịp thời.