Nhiều trẻ ở Hà Nội co giật, mất ý thức, biến chứng viêm não chỉ sau 3 ngày mắc cúm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/02/2025 14:00 PM (GMT+7)

Với thời tiết mưa phùn kèm nồm ẩm, chuyên gia dự báo các dịch bệnh, nhất là cúm mùa sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì thế mọi người tuyệt đối không nên chủ quan, đặc biệt với người có bệnh nền, người già và trẻ nhỏ.

Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Cho đến thời điểm hiện tại, các ca mắc cúm không ghi nhận sự thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Với điều kiện thời tiết giao mùa, nồm ẩm như hiện tại dự kiến thời gian tới số ca mắc cúm có thể sẽ gia tăng.

Còn tại các bệnh viện, số ca mắc cúm và biến chứng do cúm vẫn được ghi nhận hàng ngày, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Trong đó, không ít trường hợp chủ quan, nghĩ cúm không nguy hiểm sau đó phải nhập viện vì biến chứng nặng.

Điển hình như trường hợp bé trai 12 tuổi, ở Hà Nội phải nhập viện vì biến chứng viêm não do cúm mùa. Trước đó, cả gia đình mắc cúm, nhưng nghĩ chỉ cảm cúm bình thường nên tự điều trị. Đến ngày thứ 3 trẻ có tình trạng đau đầu, nôn, xuất hiện cơn co giật, lơ mơ, gia đình vội đưa con vào Bệnh viện Nhi Hà Nội cấp cứu. Tại đây, sau khi chụp chiếu, xét nghiệm dịch não tủy phát hiện trẻ có biến chứng viêm não và phải nhập viện điều trị.

Hà Nội ghi nhận nhiều trẻ mắc cúm có biến chứng phải nhập viện. Ảnh minh họa.

Hà Nội ghi nhận nhiều trẻ mắc cúm có biến chứng phải nhập viện. Ảnh minh họa. 

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi, cũng ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu vì bị co giật, mất ý thức sau khi mắc cúm A. Theo đó, thời điểm đưa đến một phòng khám tư nhân ở quận Thanh Xuân, bé gái này đã ở trong tình trạng sốt cao 40 độ, co giật khi sốt cao, tím môi, tím tay chân, mất ý thức khoảng 1 phút. Ngay sau đó, trẻ đã được xử lý bằng cắt co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu, trẻ được bác sĩ kết luận mắc viêm phế quản phổi do cúm A biến chứng sốt cao co giật.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng do mắc cúm A. Thực tế, tại các bệnh viện nhi hoặc khoa nhi các bệnh viện đa khoa cũng tiếp nhận nhiều ca có biến chứng nặng do mắc cúm. Đa số các ca biến chứng là do chủ quan, trẻ có bệnh lý nền hoặc sức đề kháng kém.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng bị biến chứng nặng do mắc cúm. Mới đây nhất, tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân nam 83 tuổi (ở Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, nhập viện ngày thứ 3 của bệnh. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục 39-39,5 độ C kèm theo mệt mỏi, ho khạc đờm, đau ngực và khó thở.

Một trường hợp bệnh nhân mắc cúm bị biến chứng được điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108.

Một trường hợp bệnh nhân mắc cúm bị biến chứng được điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108. 

Kết quả thăm khám và xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh cúm A. Mặc dù đã được điều trị thuốc kháng vi rút, kháng sinh chống bội nhiễm và kiểm soát bệnh lý nền, tuy nhiên tình trạng người bệnh tiến triển nặng dần, viêm phổi và suy hô hấp tiến triển phải hỗ trợ thở oxy tăng dần sau đó được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển khoa Hồi sức truyền nhiễm điều trị hồi sức tích cực.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, cúm mùa là bệnh thường gặp, thông thường bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng trường hợp trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền rất dễ gây biến chứng nên cần phải được theo dõi kỹ càng, đưa đến viện thăm khám để điều trị, tránh xảy ra biến chứng.

Theo bác sĩ Nga, thông thường, nguy cơ biến chứng do cúm xảy ra vào ngày thứ 3-5 từ khi có triệu chứng, một số trường hợp sớm có thể có biến chứng từ ngày thứ 2. Khi mắc cúm có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra như viêm cơ tim, viêm phổi, viêm não. Theo kinh nghiệm của bác sĩ Nga, trong những đợt dịch cúm trước đây, không ít bệnh nhân viêm não do cúm đã tử vong.

Khi trẻ nhỏ có biểu hiện mắc cúm hãy đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.

Khi trẻ nhỏ có biểu hiện mắc cúm hãy đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa. 

TS.BS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108 khuyến cáo, khi mắc cúm không tự ý dùng thuốc kháng virus như Tamiflu hoặc thuốc kháng sinh. Tốt nhất nên đi khám bệnh, tham vấn và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Đồng thời theo dõi sát triệu chứng của bệnh: Nếu sốt cao không hạ, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh và theo dõi điều trị. Ngoài ra, nên cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang để tránh lây lan.

Bác sĩ Sáng cho rằng, việc phòng bệnh cúm không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần kiểm soát dịch trong cộng đồng. Do vậy, người dân hãy:

- Chủ động tiêm vắc xin;

- Tuân thủ vệ sinh và giữ khoảng cách an toàn;

- Liên hệ trạm y tế địa phương khi cần tư vấn hoặc có dấu hiệu bệnh.

Thực phẩm nào được coi là thần dược trị cúm? Hóa ra rất sẵn ở trong bếp, 5.000 đồng là mua được, cách dùng lại đơn giản
Với những trường hợp mắc cúm, có triệu chứng nhẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, không cần đến bệnh viện. Khi đó, mọi người nên tận dụng các loại...

Sức khỏe giao mùa

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]12/02/2025 12:50 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe