Từ xa xưa, con người đã nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để thử nghiệm sự trong trắng của một cô gái. Tuy nhiên dưới góc nhìn của y học hiện đại, nhưng phương pháp này thực sự có hiệu quả?
Trong lịch sử, trinh tiết của một người phụ nữ rất được coi trọng bởi nó được xem là thước đo về địa vị, phẩm hạnh và đạo đức. Nếu một người phụ nữ trước khi kết hôn đã không còn trong trắng sẽ bị khinh ghét và thậm chí còn bị trừng phạt nặng nề.
Chính vì vậy việc kiểm tra một người phụ nữ có còn “vẹn nguyên" hay không rất quan trọng và những người có nhu cầu tìm cách lấy lại hay làm giả màng trinh cũng không hề ít. Tuy nhiên tất cả những phương pháp kiểm tra này dưới góc nhìn của các chuyên gia y học hiện đại đều là sự vô lý.
1. Ngực nhỏ, cao chứng tỏ vẫn là “gái tân”
Trong cuốn sách Virgin: The Untouched History của tác giả Hanne Blanks có ghi lại một trong những cách được xem là tốt nhất để xác định sự trong trắng của một cô gái là khám ngực.
Theo quan niệm của người thời đại cổ xưa, phụ nữ có ngực và “nhũ hoa” nhỏ, màu hồng, ngực hướng lên trên là bằng chứng cho sự trinh trắng. Bởi họ tin rằng sau khi tinh trùng xâm nhập vào âm đạo của phụ nữ, nó sẽ ở lại trong cơ thể và bơi xung quanh bên trong ngực khiến ngực chảy xệ.
Quan niệm này cũng rất phổ biến ở Trung Quốc xưa, họ cho rằng ngực phụ nữ còn trong trắng thường căng và độ đàn hồi tốt, còn ngực người đã có chồng hay từng quan hệ thì mềm và chảy xệ. Điều này dựa trên việc quan sát những phụ nữ khi mang thai thường có ngực lớn nên dẫn tới suy luận chưa quan hệ sẽ có ngực nhỏ.
Tuy nhiên, việc kiểm tra trinh tiết bằng cách xem nhũ hoa hay ngực không hoàn toàn chính xác, vì kích thước và màu sắc nhũ hoa của mỗi phụ nữ còn tùy thuộc vào sắc tố da của mỗi người. Trong thực tế, chỉ khi người phụ nữ mang thai hoặc uống thuốc điều hòa kinh nguyệt thì nội tiết tố thay đổi mới làm màu sắc núm vú và quầng vú thay đổi theo chứ không phải do quan hệ tình dục mà dẫn đến sự thay đổi đó.
2. Nhìn màu nước tiểu
Vì việc dựa vào cử chỉ đôi khi có thể không đúng khi một số phụ nữ thông minh biết cách điều chỉnh hành vi để che giấu việc bản thân đã quan hệ nên một số người cổ đại đã chuyển sang kiểm tra nước tiểu. Họ cho rằng nước tiểu của cô gái trong trắng sẽ trong suốt, đôi khi màu trắng, thậm chí lấp lánh. Còn nếu đã từng quan hệ sẽ có nước tiểu màu đục.
Nhưng theo các chuyên gia y học hiện đại, việc phụ nữ còn trong trắng và màu sắc của nước tiểu không hề liên quan tới nhau. Nước tiểu có nguồn gốc từ lượng nước dưa thừa và những chất thải được thận lọc từ cơ thể thải ra ngoài. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt tự nhiên do sự bài tiết của một chất có trong máu gọi là urochrome. Vì vậy, tùy thuộc vào lượng nước bạn uống mà nước tiểu có thể có màu từ vàng thật thật (gần như trắng, khi cơ thể đủ nước) cho đến màu cam hay vàng đậm (khi cơ thể thiếu nước).
3. Thủ cung sa
Đây là phương pháp “nghiệm thân” được lưu truyền và có nguồn gốc từ thời nhà Hán. Thủ cung sa là một vết đỏ được chấm lên tay của phụ nữ nhằm mục đích đánh dấu trinh tiết của họ. Tương truyền rằng, vết đỏ này sẽ không bao giờ biến mất nếu như nữ nhân đó còn trong trắng. Nếu sau đó người con gái có quan hệ, thủ cung sa sẽ lập tức phai màu.
Tên gọi thủ cung sa bắt nguồn từ nguyên liệu làm ra nó là thạch sùng cái. Những con thạch sùng này sẽ được cho ăn chu sa, lâu ngày thân thể biến thành màu đỏ. Trong mùa sinh sản, thạch sùng cái sẽ bị bắt, phơi khô, xay nhuyễn, tạo thành một loại bột phấn. Loại bột phấn này sẽ được tô lên tay hoặc cơ thể của người con gái dùng để “nghiệm thân”.
Theo khoa học hiện đại, thạch sùng cái chứa nhiều estrogen trong mùa sinh sản, khi gặp androgen, estrogen và androgen sẽ trung hòa với nhau và làm biến mất vết đỏ. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng thủ cung sa để kiểm tra sự trinh trắng của phụ nữ là chính xác.
Còn theo Đông y, dược tính của thạch sùng là mặn, hàn công hiệu chủ yếu là hoạt lạc, tán kết, kháng ung thư. Dung dịch nước thạch sùng có tác dụng rõ rệt đối với việc khống chế hô hấp của các tế bào ung thư. Ngoài ra nó còn chứa vitamin F, mang theo những hoạt tính chống ung thư. Còn chu sa thì có dược tính là ngọt, mát, công hiệu chủ yếu là an thần, định kinh, sáng mắt và giải độc. Xét theo dược tính thì thủ cung sa chỉ có thể là một thứ thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh thông thường như bệnh tích ở trẻ, bệnh tê chân tay,… Nói cách khác, thủ cung sa hoàn toàn không hề liên quan tới trinh tiết của phụ nữ.
4. Kiểm tra "vùng kín" bằng ngón tay
Vào cuối thế kỷ 19, dùng kẹp mỏ vịt để kiểm tra trinh tiết (dụng cụ y tế khám phụ khoa ngày nay) bị xem là hành vi xâm nhập không mong muốn vào âm đạo. Các bác sĩ sợ rằng việc sử dụng kẹp mỏ vịt sẽ đánh thức ham muốn tình dục của các cô gái trẻ. Vì nỗi sợ này, họ đã phải tìm đến các phương pháp thay thế khác để kiểm tra trinh tiết.
Một phương pháp được bác sĩ phụ khoa Robert Latou Dickenson đề xuất vào năm 1910 đó là dùng ngón tay để kiểm tra âm đạo của phụ nữ. Phụ nữ nếu còn trong trắng thì độ rộng của âm đạo sẽ bằng một hoặc hai ngón tay còn phụ nữ đã quan hệ hay sinh con sẽ bằng cỡ 3 ngón tay hoặc hơn. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, phương thức này đã gây tranh cãi giữa các bác sĩ phụ khoa nên họ quyết định không áp dụng.
Thực tế, qua nhiều nghiên cứu, các bác sĩ đã hiểu rõ hơn về "vùng nhạy cảm" của phụ nữ. “Âm đạo là bộ phận có tính đàn hồi cao”, tiến sĩ Christine O’Connor, trưởng khoa chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm y tế Mercy (Baltimore, Mỹ) nhận định. Nó đủ nhỏ để giữ tampon (băng vệ sinh dạng que) không bị rơi nhưng cũng có thể giãn ra để một đứa trẻ chào đời. Việc "yêu" không khiến âm đạo thay đổi kích thước. Quá trình giãn ra rồi co lại này xảy ra liên tục chứ âm đạo không bị giãn vĩnh viễn, dù phụ nữ có quan hệ thường xuyên.
5. Kiểm tra "lạc hồng" trong đêm tân hôn
"Lạc hồng" được hiểu đơn giản là máu của người phụ nữ còn trong trắng sau đêm tân hôn. Thời xưa sau đêm động phòng, tân lang và gia đình nhà trai sẽ kiểm tra tấm vải trắng trên giường đã chuẩn bị từ trước, nếu tấm vải thấm máu đỏ hồng thì chứng tỏ trước khi cưới tân nương vẫn còn vẹn nguyên.
Tuy nhiên theo quan điểm của y học hiện đại, việc người phụ nữ không chảy máu trong lần đầu quan hệ chưa hẳn là "không còn trong trắng". Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này. Ví dụ màng trinh quá mỏng khi quan hệ chỉ ra một chút máu và thường nằm lại luôn trong âm đạo nên không thể thấy máu. Hoặc màng trinh co giãn tốt lớp màng chỉ bị ép sang một bên, không rách nên không bị chảy máu.
Một số người thậm chí có thể đã mất nhưng không biết do các yếu tố tác động từ bên ngoài như vận động mạnh, tai nạn giao thông,… Và có một số người thậm chí còn không có màng trinh.