18 trong 134 mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu của người tiếp xúc gần nữ sinh Nghệ An và Bắc Giang cho kết quả âm tính, theo cơ quan chức năng.
Ngày 9/7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang và Nghệ An cho biết thông tin trên. Những mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi. Dù âm tính, các trường hợp tiếp xúc gần (F1) vẫn phải cách ly, theo dõi sức khỏe và được điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối với ca bệnh.
Với nữ sinh 18 tuổi ở Kỳ Sơn, Nghệ An, ông Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, cho biết điều tra dịch tễ xác định bệnh nhân không tiêm vaccine ngừa bạch hầu từ nhỏ, phát hiện bệnh muộn và không chuyển tuyến theo khuyến cáo, nên không thể cứu chữa.
Ông Trang cũng cho hay Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm, vì thế chưa rõ cô gái này có phải là ca bệnh khởi phát hay không. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em của Kỳ Sơn còn thấp trong hai năm qua (đạt hơn 60%), người dân tại đây chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hại của bệnh.
"Bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể khống chế trong trường hợp người dân tuân thủ tiêm phòng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng", ông Trang nói, khuyên phụ huynh cho con tiêm vaccine phòng bạch hầu lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, tiêm nhắc vào 16-18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, các F1 tiếp xúc với nữ sinh trên đã cách ly, theo dõi sức khỏe hằng ngày, uống thuốc kháng sinh dự phòng, vì thế khả năng mắc và lây bệnh gần như không có.
Khử trùng tại gia đình bệnh nhân tại Nghệ An để phòng dịch. Ảnh: Hùng Lê
Trước đó, nữ sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn bị sốt, ho, đau họng, khàn tiếng, tự mua thuốc uống và dự kỳ thi tốt nghiệp cấp ba hôm 26/6. Sau thi, ngày 1/7, cô đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám, được chẩn đoán viêm loét họng - amidan mủ, bệnh bạch hầu. Bác sĩ đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị, song người thân xin ở lại cơ sở y tế Kỳ Sơn theo dõi do không đủ kinh phí.
Ngày 4/7, bệnh nhân trở nặng, được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An khi sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, tử vong sáng hôm sau. Điều tra dịch tễ phát hiện bệnh nhân này từng ở chung phòng với cô gái Bắc Giang trong những ngày thi tốt nghiệp, CDC Nghệ An thông báo tin đến CDC Bắc Giang để kịp thời khoanh vùng xử lý.
Lúc này, cô gái Bắc Giang có dấu hiệu đau họng, tự mua thuốc uống. CDC Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm xác định cô cũng mắc bạch hầu, đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, điều trị, hiện sức khỏe ổn định.
Cán bộ y tế ở huyện Kỳ Sơn lấy điều tra dịch tễ với những người liên quan đến ca bệnh. Ảnh: Hùng Lê
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch, khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch.
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục, tỷ lệ tử vong cao, trung bình 5-10% trên tổng số ca bệnh.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến, ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng hai tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, ban đầu người nhiễm sẽ bị sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng nhẹ, ho; sau đó tiến triển nhanh gây khó thở, đau họng tăng dẫn tới chán ăn, sổ mũi, hơi thở hôi.
Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Lớp màu trắng mọc thành từng mảng lớn, dai và dính, khi bóc màng ra gây chảy máu, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.
Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc sẽ viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.