Hiện có khoảng 30 trẻ đang điều trị do nhiễm cúm tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), trong đó có những trẻ bị biến chứng viêm não sau khi mắc cúm.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, các bệnh viện lớn ở Hà Nội liên tục tiếp nhận các ca mắc cúm (cúm A/H1N1) có biến chứng nặng. Thậm chí, đã có trường hợp một thai phụ mang thai 24 tuần đã tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây khoa có khoảng 6 - 7 bệnh nhân mắc bệnh cúm trong tình trạng nặng. Đã có trường hợp phải thở máy do viêm phổi nặng vì mắc cúm.
Không chỉ người trưởng thành mắc cúm phải nhập viện điều trị, tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) những ngày gần đây liên tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc cúm có biến chứng nặng vào nhập viện. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 3 - 15 trẻ nhiễm cúm vào điều trị.
Một bé gái 7 tháng tuổi mắc cúm đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương.
BS Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, hiện tại khoa đang điều trị cho hơn 30 trẻ mắc cúm, trong đó có nhiều trẻ phải điều trị biến chứng từ cúm.
Theo BS Hải, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp bị biến chứng viêm não do mắc cúm. So với các năm trước con số này tăng hơn. “Những năm trước cả năm chỉ ghi nhận 1-2 ca viêm não do mắc cúm. Nhưng chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 3 ca”, BS Hải chia sẻ.
Trong số những trẻ bị biến chứng viêm não do mắc cúm, đáng chú ý nhất là bệnh nhi 2 tuổi sau 3 ngày sốt cao, đến ngày thứ 4 đỡ sốt nhưng lại li bì, chậm chạp, ngủ cả ngày không tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các cháu đều bị viêm não do biến chứng sau cúm. May mắn, sau điều trị tích cực, các bệnh nhi đã dần hồi phục sức khỏe.
Trước sự bất thường về biến chứng viêm não do mắc cúm ở trẻ, BS Hải khuyến cáo, sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm 2 - 3 ngày, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu chậm chạp, ngủ nhiều, buồn nôn, nôn khan, co giật, có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật..., cần cho trẻ nhanh chóng nhập viện, vì đây là dấu hiệu của viêm não.
Khi trẻ mắc cúm, BS Hải cho rằng các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến vấn đề hạ sốt, cũng như biểu hiện của trẻ để phòng những biến chứng có thể xảy ra. Trong trường hợp trẻ bị họ, phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi dùng thuốc giảm ho và dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng viêm phổi.
Riêng về vấn đề chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ mắc cúm, BS Hải cho rằng đây là vấn đề quan trọng và rất cần thiết. Theo đó, tùy theo mức độ, thể trạng của trẻ mà phụ huynh có thể bổ sung thêm cho trẻ từ 10,20 thậm chí là 30% so với lượng chất dinh dưỡng hàng ngày.
Cuối cùng, để phòng bệnh cúm người dân nên tiêm vắc xin đầy đủ. Ngoài ra, khi phát hiện thấy những triệu chứng trên, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị, không được chủ quan, dẫn tới viêm não, nguy hiểm tính mạng.