Khi ăn không hết một chiếc bánh trung thu liệu có nên cho vào tủ bảo quản để mai ăn tiếp. Đặc biệt loại bánh nào không nên để qua đêm, đó là điều không phải ai cũng biết.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Trung thu, vì thế đây được xem là “thời điểm vàng” để tiêu thụ các loại bánh trung thu trên thị trường. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, các quầy hay cửa hàng bánh trung thu năm nay không thực sự “hút khách” như những năm trước. Khi được hỏi, nhiều người cho rằng do kinh tế eo hẹp, nhưng số đông lại đưa ra ý kiến về việc đã “nhàm chán” và ăn sợ béo nêu không mua, đợi đến chính rằm mua về để thắp hương.
Bác Hoàng Lan (Thành Công, Ba Đình) cho biết, gia đình bác mua một cặp bánh trung thu của một hãng nổi tiếng bán ở gần nhà để thắp hương hôm mùng 1. Bánh có trọng lượng 250g, sau khi thắp hương hai vợ chồng bác Lan phải ăn 4 ngày mới hết vì bánh quá ngọt nên không ai dám ăn nhiều vì sợ béo và tiểu đường.
“Hai vợ chồng tôi không dám ăn nhiều, buổi tối sau bữa cơm ngồi uống nước xem tivi thì nhâm nhi cho vui. Mỗi lần chỉ cắt nửa chiếc, phần còn lại cất vào tủ hôm sau ăn tiếp cho đỡ lãng phí”, bác Lan chia sẻ.
Nếu không thể ăn hết bánh trung thu trong một lần thì có thể bảo quản cẩn thận nhưng chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ. Ảnh minh họa.
Trong mùa trung thu, việc cắt một phần bánh ăn, phần còn lại cất vào tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp không phải là hiếm gặp. Thế nhưng, không ít người lại cho rằng, trung thu một năm chỉ có một dịp rất ngắn, hơn nữa chiếc bánh không quá lớn nên không cần thiết phải tiết kiệm hay vì sợ bệnh mà chỉ ăn một nửa hoặc một phần.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, nếu nhìn dưới góc độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm thì việc cắt bánh ra ăn một phần, rồi cất đi đến hôm sau ăn tiếp là không nên. “Tốt nhất, bánh trung thu khi đã bóc ra khỏi bao bì thì nên chia nhau ăn hết, việc làm này cũng giống như nấu thực phẩm, chỉ nấu đủ ăn và ăn cho hết không để đến hôm sau, vừa tránh lãng phí, vừa không phải ăn đồ thừa”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, trong thực tế lại luôn xảy ra những tình huống bất ngờ, bác sĩ Hưng lấy ví dụ như trường hợp của gia đình trên, khi chỉ có hai vợ chồng cao tuổi thì họ ăn hết 1 chiếc bánh 250g là nhiều và quá tải cho hệ tiêu hóa, đó là chưa kể có thể còn mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp... Kể cả trước khi ăn cơm, hai vợ chồng có thể sẽ ăn hết được một chiếc bánh, nhưng bữa ăn kế tiếp ăn không ngon miệng, vì bánh trung thu thường ngọt và tùy nhân sẽ chứa khá nhiều calo.
Chỉ nên bảo quản bánh nướng, bánh dẻo rất nhanh hỏng không nên để qua đêm. Ảnh minh họa.
Do vậy, bác sĩ Hưng tư vấn, việc ăn không hết sau bảo quản bánh trung thu ở ngăn mát tủ lạnh đến hôm sau ăn vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quá trình bảo quản phải tuân thủ một số vấn đề, đó là:
- Dao dùng cắt bánh phải sạch;
- Nên bọc cẩn thận phần bánh còn lại, tốt nhất cho vào hộp kín hoặc đóng gói cẩn thận.
- Khi để trong tủ lạnh tuyệt đối không để chung với đồ sống, vì vi khuẩn sẽ tấn công sang gây hỏng, ăn vào dễ ngộ độc.
"Việc lưu trữ cũng không nên quá lâu, chỉ bảo quản tủ lạnh không quá 24 giờ. Đặc biệt, chỉ nên bảo quản bánh nướng, vì nó được làm chín bằng nhiệt độ cao, bánh dẻo rất nhanh hỏng cho nên tránh bảo quản hay để qua đêm", bác sĩ Hưng tư vấn.
Ngoài ra, bác sĩ Hưng cũng khuyến cáo mọi người khi chọn mua và trước khi sử dụng bánh trung thu cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng, thành phần, tổng năng lượng của một chiếc bánh. Tuyệt đối không vì “yêu chiều” sở thích mà ăn nhiều vì sẽ gây tăng cân. Ngoài ra, không ăn bánh đã hết hạn, bánh bị lọt hơi vào trong bao bì. Nếu thấy bánh có hiện tượng mốc, cần loại bỏ ngay.