Một bánh trung thu bằng 5 bát cơm, nên bạn phải biết những điều này khi ăn kẻo hối hận

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 08/09/2021 19:40 PM (GMT+7)

Thưởng thức bánh trung thu là cái thú mùa trăng nhưng cách ăn, lượng ăn bạn cũng cần để ý nếu không muốn sức khỏe bị ảnh hưởng.

Mùa trung thu đến rồi. Mặc dù dịch bệnh và giãn cách khiến thị trường bánh trung thu không rộn ràng như mọi năm nhưng dịp này hầu như gia đình nào cũng mua hay được biếu vài cái bánh. Nhiều người còn có sở thích ăn bánh trung thu nên chỉ đợi dịp tháng 8 âm lịch này là thường xuyên mua về. Vậy bánh trung thu ăn sao cho tốt, những ai không nên hoặc cần hạn chế ăn - các chuyên gia sẽ có câu trả lời cho bạn trong bài viết dưới đây.

Ăn bánh trung thu cần phải giảm ăn cơm trong ngày

BS Dzoãn Thị Tường Vi - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết thông thường bánh trung thu có hàm lượng calo rất lớn, đặc biệt là đường. Theo thống kê, một chiếc bánh trung thu khoảng 170 gram, cung cấp từ 500 đến 700 calo tùy theo loại bánh và thành phần.

Bởi vậy, khi ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng cân, rối loạn đường huyết và tăng nguy cơ béo phì.

Hiện nay, không ít người cho rằng bánh trung thu có thể ăn thoải mái vì đây không phải loại bánh có quanh năm mà chỉ có theo mùa (dịp trung thu cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch). TS. BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết đây là quan niệm sai lầm, bởi hàng ngày ngoài bánh trung thu, mọi người còn ăn nhiều thực phẩm khác, như vậy lượng calo nạp vào sẽ rất cao. Nếu không kiểm soát vấn đề này cơ thể sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy như tăng đường huyết, thừa cân, béo phì...

Bánh trung thu có nhiều năng lượng, nhất là bánh có nhân trứng.

Bánh trung thu có nhiều năng lượng, nhất là bánh có nhân trứng.

Lấy ví dụ điển hình, TS Hưng cho biết một chiếc bánh nướng thập cẩm 250 gram hai trứng, nếu ăn hết sẽ cung cấp năng lượng 1.095 calo, chất bột đường 104,5 gram… đáng lưu ý, bánh càng nhiều lòng đỏ trứng thì năng lượng càng cao.

Trong khi đó, một bát cơm thông thường khi ăn chỉ cung cấp năng lượng khoảng 200 calo, chất bột đường (glucid) 44,2g, như vậy có thể thấy chỉ với một chiếc bánh nướng hai trứng năng lượng đã gấp 5 lần một bát cơm và lượng glucid gần gấp đôi.

Do đó, sai lầm thường gặp nhất là ăn bánh trung thu nhiều (tính trong ngày) nhưng vẫn ăn cơm đủ 3 bữa với số lượng cơm và thức ăn nạp vào cơ thể như bình thường. Điều này sẽ khiến năng lượng nạp vào cơ thể tính cả bánh trung thu và lượng cơm, thực phẩm hàng ngày rất lớn.

Do vậy, để không bị nạp quá nhiều năng lượng, nhất là với người có thói quen ăn bánh trung thu, TS Hưng cho biết cần phải bớt khẩu phần cơm và lượng thức ăn trong ngày. Ngoài ra, cần bổ sung nhiều rau xanh, quả chín hơn để ngăn ngừa tăng đường huyết và dễ tiêu hóa, đẩy chất béo ra ngoài.

Khi ăn bánh trung thu cần giảm khẩu phần cơm và thức ăn trong ngày. (Ảnh minh họa)

Khi ăn bánh trung thu cần giảm khẩu phần cơm và thức ăn trong ngày. (Ảnh minh họa)

BS Doãn Tường Vi cho biết thêm, mọi người khi ăn bánh trung thu chỉ nên ăn để thưởng thức, không nên ăn lấy no vì dễ tăng cân. Ngoài ra, tránh ăn bánh trung thu vào buổi tối bởi khi đó cơ thể ít vận động gây nên tình trạng tích lũy năng lượng và khó tiêu hóa.

Người ăn kiêng, béo phì, tiểu đường có nên ăn bánh trung thu?

BS Tường Vi cho biết có rất nhiều thắc mắc về việc bánh trung thu ngọt và nhiều năng lượng như vậy, liệu người ăn kiêng, người béo phì, tiểu đường có ăn được loại bánh này không?

Theo bác sĩ Vi, những người có vấn đề như trên hoàn toàn có thể ăn được bánh trung thu nhưng phải lựa chọn loại bánh phù hợp và không nên ăn quá nhiều. Ví dụ như người tiểu đường có thể chọn bánh trung thu làm từ đường không năng lượng.

Mọi người cần lựa chọn, ăn bánh trung thu theo dạng thưởng thức, không nên ăn thoải mái. (Ảnh minh họa)

Mọi người cần lựa chọn, ăn bánh trung thu theo dạng thưởng thức, không nên ăn thoải mái. (Ảnh minh họa)

“Dù là bánh không năng lượng nhưng tuyệt đối không được có tư tưởng ăn cho bõ thèm, ăn xả láng vì bánh vẫn làm từ tinh bột và lượng carbonhydrat vẫn cao nên chúng ta chỉ dùng với lượng vừa phải”, BS Vi nói.

Ngoài ra, khi ăn bánh trung thu thì những người tiểu đường, béo phì cần phải bớt đi lượng tinh bột như gạo, mì, ngô, khoai, sắn. Không được ăn ngay sau khi ăn cơm, nên ăn sau 2 tiếng thì lượng đường sẽ tăng từ từ chứ không tăng vọt, sử dụng như vậy sẽ an toàn hơn với người tiểu đường.

Với người thừa cân béo phì nếu ăn nhiều quá thì vẫn là năng lượng cao, cho nên ăn chỉ là để giải quyết nhu cầu khẩu vị  vẫn phải trong khuôn khổ để kiểm soát cân nặng.

6 sai lầm chết người nhưng nhiều người vẫn đang làm khi ăn bánh Trung thu
Không ăn bánh Trung thu lúc đói cũng như khi quá no, và đặc biệt không ăn khi uống cùng trà đặc, cà phê và các loại nước có ga.

Bánh Trung Thu

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe