Hạt hướng dương có hương vị thơm, béo và hầu như nhà ai cũng có vào dịp Tết nhưng ăn nhiều có hại hay lợi thì ít người biết.
Hạt hướng dương được lấy từ phần nhụy hoặc phần đầu của hoa hướng dương. Hạt nhẹ, béo ngậy được ăn sống, rang, nấu chín, sấy khô, nghiền và ép làm nguồn dầu.
1. Giá trị dinh dưỡng của hạt hướng dương
Việc tiêu thụ thường xuyên các loại hạt, bao gồm cả hạt hướng dương, có liên quan đến việc giảm mức độ dấu hiệu viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tuýp 2.
Hạt hướng dương rất giàu chất chống oxy hóa bảo vệ sức khỏe, trong đó có chất béo tốt, chất xơ, protein thực vật, vitamin E và khoáng chất, cũng có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng lành mạnh. Ngoài ra, chúng có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút tự nhiên, giúp chống lại vi trùng có thể khiến bạn bị bệnh. Chúng cũng giàu selen và kẽm, đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Cả hai chất dinh dưỡng này cũng có tác dụng chống viêm. Một phần khá nhỏ hạt hướng dương còn vỏ (1/4 cốc) cung cấp khoảng 40% lượng selen khuyến nghị hàng ngày và hơn 13% lượng kẽm.
Một nghiên cứu đánh giá đã kết luận rằng các loại hạt, bao gồm cả hạt hướng dương, bảo vệ sức khỏe tim mạch nhờ tác dụng kết hợp của chất béo tốt, chất chống oxy hóa, chất xơ, protein và khoáng chất. Nói chung, các chất dinh dưỡng này có tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp và chống viêm. Đây là một lý do tại sao thực phẩm nguyên chất, như hạt hướng dương, chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, thường có tác dụng bảo vệ tốt hơn các chất dinh dưỡng đơn lẻ, chẳng hạn như chất xơ cô lập.
Một nghiên cứu khác xem xét mối quan hệ giữa việc tiêu thụ hạt hướng dương và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim ở gần 900 nam giới và phụ nữ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra những phụ nữ tiêu thụ hạt một đến hai lần mỗi tháng, bao gồm cả hạt hướng dương, có mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (có hại) thấp hơn đáng kể so với những người không ăn hạt.
Hạt hướng dương cũng có thể đóng vai trò làm giảm lượng đường trong máu và có thể được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Các nhà khoa học cho biết các thành phần hoạt tính sinh học trong những hạt này có liên quan đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn và điều trị tình trạng kháng insulin.
Hạt hướng dương có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Một bản tóm tắt nghiên cứu gần đây đã liệt kê hạt hướng dương vào danh sách siêu thực phẩm dành cho bệnh tiểu đường tuýp 2 vì thực phẩm này có thể ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện sức khỏe tổng thể. Họ lưu ý rằng tiêu thụ hạt hướng dương có thể tăng cường sản xuất insulin và giảm lượng đường trong máu. Những tác động này một phần là do một loại hạt hướng dương có chứa chất chống oxy hóa phenolic được gọi là axit chlorogen.
Chứa nhiều chất xơ, chất béo và protein giúp no lâu nên hạt hướng dương là lựa chọn tốt để kiểm soát cân nặng. Tác dụng chống oxy hóa và chống viêm của axit chlorogen trong hạt hướng dương cũng có thể đóng vai trò trong việc điều chỉnh cân nặng.
Để đánh giá điều này, một nghiên cứu nhỏ đã xem xét tác động của chiết xuất hạt hướng dương trên 50 người trưởng thành mắc bệnh béo phì. Các tình nguyện viên được chỉ định ngẫu nhiên để nhận chiết xuất hoa hướng dương hoặc giả dược với cùng số lượng calo hàng ngày trong 12 tuần. Nhóm chiết xuất hạt hướng dương đã giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI) và số đo vòng eo, đặc biệt ở phụ nữ trên 30 tuổi. Những người ăn chiết xuất hạt hướng dương cũng đã giảm mức cholesterol trong máu.
2. Ai không nên ăn hạt hướng dương?
Mặc dù dị ứng hạt hướng dương không phổ biến nhưng vẫn có một số người bị dị ứng với hạt này. Những người dị ứng với hạt hướng dương có thể xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, phát ban, khó thở, sưng và ngứa quanh miệng.
Ngoài ra, một số người có nguy cơ ô nhiễm vi khuẩn nếu hạt hướng dương không được sấy đúng cách, dẫn đến nấm, mốc.
Hạt hướng dương rất giàu calo. Tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân.
Chuyên gia cũng khuyên nên hạn chế ăn hướng dương rang muối. Hạt hướng dương đã bóc vỏ, không ướp muối là loại hạt linh hoạt nhất vì chúng có thể được thêm vào nhiều món ăn khác nhau mà không ảnh hưởng đến độ mặn của món ăn. Bạn có thể ăn hạt đã rang chín, hoặc thêm hạt hướng dương đã bỏ vỏ vào sinh tố, trái cây, sữa chua hoặc phô mai, ngũ cốc, bột yến mạch...