Ba anh em ruột cùng lúc phát hiện mắc ung thư dạ dày. Bác sĩ ban đầu nghi ngờ liệu có phải do gen di truyền nhưng đến khi nhìn mâm cơm của ba bệnh nhân, bác sĩ liền hiểu lý do.
Trong Bệnh viện Shaoyifu trực thuộc Trường Đại học Y khoa Chiết Giang, ông Lao Huang (65 tuổi), Da Huang (58 tuổi) và Xiao Huang (45 tuổi) là 3 anh em ruột cùng nằm chung một phòng bệnh. Họ đều mắc căn bệnh ung thư dạ dày.
Ba anh em đến từ Lâm Hải, Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, người anh cả làm kinh doanh đồ gỗ. Kể từ nửa cuối năm 2018, ông Lao Huang cảm thấy khó chịu ở vùng bụng trên. “Nó không giống một cơn đau mà cảm giác như bị đầy hơi”, ông Lao Huang kể lại,
Vì triệu chứng không rõ ràng nên ông Lao Huang không để tâm tới. Sau gần 1 năm, sự khó chịu ngày càng tăng thêm và tần suất cũng nhiều hơn. Cuối cùng vì không thể chịu được nên ông Lao Huang đã tới bệnh viện khám. Kết quả kiểm tra phát hiện ông bị ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Ba anh em cùng một nhà mắc ung thư dạ dày khiến bác sĩ bất ngờ. (Ảnh minh họa)
Hai người em trai của ông Lao Huang vì lo lắng cho anh nên cũng đến viện thăm hỏi. Khi nghe người anh kể về các triệu chứng, hai người em trai đều thấy họ có biểu hiện tương tự. Ông Da Huang và Xiao Huang quyết định đi nội soi dạ dày, kết quả kiểm tra cho thấy ông Da Huang bị ung thư dạ dày giai đoạn 2 còn ông Xiao Huang bị giai đoạn đầu.
Lúc này, ông Xiao Huang nói với giọng đầy hối hận: “Ba năm trước, khi thăm khám lâm sàng, báo cáo y tế nói tôi có máu trong phân nhưng tôi không để tâm. Hai năm qua, tôi không đi khám thêm lần nào khác. Nếu chú ý từ trước, có lẽ tôi đã không mắc ung thư.”
Tại sao ung thư dạ dày lại đến với ba anh em?
Yan Jiafei, phó giám đốc Khoa Phẫu thuật tổng hợp tại Bệnh viện Shao Yifu nói rằng vấn đề nằm ở bữa ăn của gia đình. "Thông qua kinh nghiệm lâm sàng của chúng tôi, thói quen sống tương tự của ba người họ là thủ phạm đầu tiên gây ung thư dạ dày. Khi ba bệnh nhân này nhập viện, gia đình đã thay nhau tới chăm sóc họ. Họ thuê một căn nhà ở gần bệnh viện và ngày ngày mang đồ ăn tới cho ba bệnh nhân”, bác sĩ Yan Jiafei nói. “Khi nhìn thấy mâm cơm của họ, quả thực rất phong phú và có 4-5 loại rau nhưng hầu hết đều là dưa cải muối."
Sau đó, bác sĩ Yan Jiafei cẩn thận hỏi thói quen ăn uống của ba anh em được biết ba người đều không thích ăn rau, họ thích ăn các loại cải muối, dưa muối có vị mặn để dễ ăn. Ngay lúc đó, bác sĩ Yan Jiafei đã dần hiểu ra lý do ba anh em cùng mắc bệnh.
Bác sĩ nghi ngờ thói quen ăn quá nhiều rau, dưa muối có thể là nguyên nhân gây ung thư của ba anh em. (Ảnh minh họa)
Mối quan hệ giữa chế độ ăn và ung thư dạ dày là gì?
"Từ năm 1959, ăn quá nhiều muối là một yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày", bác sĩ Yan Jiafei nói rằng các nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy tỷ lệ mắc ung thư dạ dày có mối tương quan với lượng muối trong chế độ ăn uống, và lượng tiêu thụ hàng ngày vượt quá 10g muối có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày.
Ngoài ra, trong bài báo "Tiến trình nghiên cứu dịch tễ học ung thư dạ dày", các nhà nghiên cứu đã viết rằng chiết xuất rau muối của Trung Quốc chứa các hợp chất N-nitroso (NOC) và benzopyrene. Hợp chất N-nitroso gây ung thư ở nhiều cơ quan của ít nhất 40 loài động vật và được xác định là chất gây ung thư nguyên phát.
Ngoài việc ăn quá nhiều muối và thực phẩm chế biến, ăn rau và trái cây quá ít cũng dễ gây ung thư dạ dày. Các số liệu từ "Tiến trình Dịch tễ học về Ung thư dạ dày" cho thấy tăng lượng trái cây và rau quả có thể làm giảm 44% tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.
"Trái cây và rau quả được cho là có tác dụng bảo vệ dạ dày. Điều này có thể là do thực tế là trái cây và rau quả giàu vitamin C, có thể được sử dụng như một chất chống oxy hóa để giảm sản xuất các loại oxy phản ứng trong dạ dày." bác sĩ Yan Jiafei giải thích.
Cuối cùng, ba người đã trải qua ba cuộc phẫu thuật khác nhau tại Bệnh viện Shaoyifu. Hai người anh vì ung thư phát hiện muộn nên sau phẫu thuật phải hóa trị, riêng người em út vì phát hiện sớm nên chỉ cần phẫu thuật loại bỏ các thương tổn.
Theo quan điểm của bác sĩ Yan Jiafei, những người có tiền sử gia đình mắc ung thư nên nội soi dạ dày, kiểm tra sức khỏe định kỳ. "Chúng ta không thể kiểm soát gen, nhưng chúng ta có thể kiểm soát lối sống", bác sĩ Yan Jiafei nói rằng chế độ ăn uống hợp lý, ăn ít thực phẩm có muối và hun khói là cách hiệu quả hơn để ngăn ngừa ung thư.