Bệnh viện trung ương Trường Sa, thuộc Đại học Nam Hoa (Trung Quốc) đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng khó thở, rối loạn ý thức, sau khi kiểm tra bác sĩ chẩn đoán cô bị nhiễm toan ceton đái tháo đường, thủ phạm thực sự là loại nước nhiều người thích.
Hoàng Anh, 21 tuổi là một người rất thích đồ ngọt, đặc biệt là thích đồ uống có ga. Trong 3 năm, trung bình mỗi ngày cô uống từ 2- 3 chai. Hoàng Anh nói: “Thời gian gần đây tôi luôn cảm thấy khát, sau mỗi lần uống nước ngọt thì cơ thể cảm thấy rất thoải mái”.
Hoàng Anh nhớ lại, cách đây một tuần, cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và nghĩ rằng là do cảm mạo nên không để ý quá nhiều, không ngờ 3 ngày sau đột nhiên xuất hiện tình trạng khó thở và rối loạn ý thức.
Hoàng Anh mỗi ngày uống 2, 3 chai nước ngọt, uống liên tục trong vòng 3 năm.
Sau khi nhập viện kiểm tra phát hiện, đường huyết cao gấp 4 lần so với người bình thường, kiểm tra nước tiểu cho thấy đường trong nước tiểu cao gấp 20 lần người bình thường, chẩn đoán Hoàng Anh bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường, đồng thời bị suy thận cấp tính, chức năng tim và gan bị tổn thương, các bác sĩ đã chuyển Hoàng Anh đến phòng chăm sóc đặc biệt. Sau 2 ngày được các nhân viên y tế cấp cứu, Hoàng Anh mới dần hồi phục lại ý thức, hiện đã chuyển đến phòng bệnh thông thường để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Long Dũng, Phó khoa cấp cứu của Bệnh viện trung ương Trường Sa cho biết: “Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Đặc trưng của bệnh là tình trạng đường huyết tăng cao (>20mmol/lit) và xuất hiện các thể ceton trong máu do thiếu insulin trầm trọng. Insulin là một hormon do tuyến tụy tiết ra, giúp vận chuyển đường (glucose) vào trong tế bào, và chuyển hóa thành năng lượng để cung cấp cho mọi hoạt động của cơ thể. Nếu không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo như một nhiên liệu thay thế. Đổi lại, quá trình này sản xuất ra một axit độc hại trong máu gọi là ceton. Nếu không kịp thời điều trị người bệnh tiểu đường nhiễm ceton có thể dẫn tới hôn mê hoặc thậm chí tử vong."
Bác sĩ Long Dũng cũng giới thiệu, những năm gần đây bệnh viện đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân tiểu đường cho rằng vì bản thân còn trẻ, nên trong cuộc sống thường không chú ý đến việc ăn uống. Chế độ ăn uống không đúng cách (ăn quá nhiều hoặc quá ít, thực phẩm quá ngọt, uống rượu bia,…), thường xuyên thức khuya, những điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiễm ceton do đái tháo đường.
Hoành Anh chẩn đoán nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Bác sĩ Long Dũng nói: Trường hợp của Hoàng Anh chính là uống quá nhiều nước ngọt có ga mới gây nên bệnh. Đồ uống trên thị trường hiện nay hầu như không chứa protein, lượng đường rất cao, thời gian dài sử dụng có thể dẫn đến rất nhiều các loại bệnh. Do vậy, kiến nghị mọi người, trong cuộc sống nên chú ý chế độ ăn uống hợp lý, giảm các loại thực phẩm nhiều chất béo, nhiều calo, uống nước lọc thay vì uống đồ ngọt, ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, hoa quả, tăng cường tập thể dục, kiểm soát cân nặng và tránh béo phì.
Một số tác hại của nước ngọt có ga
Vấn đề về thận: Đồ uống này có chứa hàm lượng axit phosphoric cao, có thể gây ra rối loạn tiết niệu, sỏi thận và các vấn đề về thận mạn tính khác.
Gây hại gan: Nhiều nghiên cứu cho thấy những người uống 2 lon nước ngọt có ga mỗi ngày tăng 5 lần nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Chỉ sau 20 phút uống nước ngọt, lượng đường trong máu tăng đột ngột, dẫn đến tăng insulin. Khi đó, gan sẽ phản ứng bằng cách chuyển hóa đường thành chất béo. Điều này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, vấn đề liên quan đến cholesterol cao và huyết áp cao.
Uống nước ngọt có ga sẽ gây ra hàng loạt các loại bệnh.
Tăng nguy cơ béo phì: Uống nước ngọt có ga không giúp bạn giảm cân như mong muốn, thậm chí nó còn làm tăng vòng eo lên 500% nếu uống 2 lon mỗi ngày. Theo một nghiên cứu trên động vật của Đại học Purdue (Mỹ), chất làm ngọt nhân tạo có thể phá vỡ khả năng điều chỉnh lượng calo của cơ thể dựa trên vị ngọt của thực phẩm bạn ăn. Điều đó có nghĩa là những người uống nước ngọt thường xuyên có khả năng càng ăn nhiều hơn, vì cơ thể của họ nghĩ rằng họ đang ăn đường, dẫn đến thèm ăn nhiều hơn.
Phân hủy men răng: Với độ pH là 3.1, nước ngọt có tính axit cao. Hiệp hội Nha khoa Anh cho biết axit carbonic trong nước có ga làm xói mòn men răng, tăng nguy cơ sâu răng.
Gây ra các vấn đề về tim mạch: Hầu hết nước ngọt có ga đều chứa lượng fructose cao, chất làm ngọt tăng hội chứng chuyển hóa. Đây là yếu tố làm tăng hàm lượng cholesterol, gây bệnh tiểu đường và tim mạch. Một nghiên cứu của Đại học Miami (Mỹ) phát hiện những người có thói quen uống nước ngọt hàng ngày có nguy cơ bị bệnh tim mạch tới 61%.
Loãng xương: Do chứa axit photphoric, uống nước ngọt ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến các vấn đề như xương yếu, loãng xương. Ngoài ra, axit photphoric có thể tương tác với axit dạ dày dẫn đến tiêu hóa chậm, đồng thời chặn quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể.