Những ngày hè nóng bức, bên cạnh việc dùng nước lọc, nước dừa, trái cây… để giải khát thì nhiều người vẫn sử dụng nước đậu thay cho nước lọc để uống. Các bác sĩ cảnh báo rằng nếu dùng không đúng cách, nước đậu có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Bước vào hè, thời tiết oi bức, nhu cầu giải nhiệt ngày càng cao. Nếu những gia đình khác chọn dùng trái cây ép lấy nước, mua nước dừa để sẵn trong tủ lạnh cho cả gia đình thì chị Mã Thị Ngọc Bích (32 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) lại lựa chọn nước đậu làm thực phẩm giải nhiệt cho gia đình.
“Tôi thường mua mỗi thứ một ít khoảng 300 gram bao gồm đậu đỏ, đậu đen, đậu nành rồi rang chín, để sẵn trong hộp khô và mỗi ngày lấy khoảng một nắm nhỏ để nấu nước cho cả gia đình. Tôi thấy loại nước này khá rẻ, lại tự nhiên và có nhiều công dụng giải nhiệt”, chị Bích nói.
Nhận xét về thói quen này, Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thị Kim Loan, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết nước đậu (có thể bao gồm đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành…) là một loại thức uống được nhiều gia đình lựa chọn để giải khát vì dễ mua, dễ chế biến và có tác dụng thanh lọc cơ thể theo quan niệm của nhiều người.
Tuy nhiên, thực tế không phải ai và gia đình nào cũng đang biết cách sử dụng và chế biến loại nước này đúng cách. Nếu lạm dụng hoặc bảo quản, chế biến không đúng, ngược lại nước đậu có thể gây hại cho sức khỏe.
Các bác sĩ cho rằng không nên dùng nước đậu thay thế hoàn toàn nước lọc.
Nước đậu cũng như nước lọc, trên cơ bản sẽ cung cấp một lượng nước nhất định cho cơ thể. Ngoài ra, trong nước đậu còn chứa một một số chất khoáng, đặc biệt là kali, nên bác sĩ Loan cho rằng không phải ai cũng có thể dùng được, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh thận. Bác sĩ Loan cho biết: "Với những bệnh nhân suy thận mạn, do chức năng đào thải kali của thận gần như bằng không nên luôn hiện hữu nguy cơ tăng kali máu và điều này đồng nghĩa với việc nếu kali máu tăng cao khiến bệnh nhân có thể tử vong"
“Có nhiều cách sử dụng nước đậu, ngoài rang lên để nấu nước thì nhiều người lựa chọn nấu đậu tươi cho nhừ để lọc lấy nước và uống. Riêng cách nấu đậu tươi thì trong đậu chứa nhiều tinh bột, đạm, chất béo, những chất dinh dưỡng có thể không phù hợp với những người muốn giảm cân. Lượng calo trong loại nước giải khát này rất khó canh chỉnh để dùng cho phù hợp”, bác sĩ Loan cho biết.
Đối với cách chế biến bằng rang, sau đó nấu nước, bác sĩ Loan cho rằng nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm trong bất kỳ công đoạn nào thì loại nước giải khát này rất dễ phản tác dụng. “Thứ nhất là quá trình lựa chọn đậu, cần lựa chọn những loại đậu có nguồn gốc, không nên dùng hàng trôi nổi, đậu bảo quản lâu ngày dễ nhiễm nấm mốc, trong đó nguy hiểm là loại nấm aflatoxin dễ gây suy gan. Bảo quản đậu trước khi rang, sau khi rang và khi sử dụng phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Tránh rang đậu đến cháy khét vì lúc này sẽ có nhiều chất độc tồn đọng”, chuyên gia khuyến cáo.
Đối với những gia đình có thói quen dùng nước đậu thay hoàn toàn nước lọc, bác sĩ Loan nhận định điều này là không nên, nhất là việc dùng nước đậu để uống thuốc hoặc pha sữa cho trẻ. “Những trẻ nhỏ khi uống nước đậu đỏ với lượng nhiều, đặc biệt là đối với trẻ dưới 2 tuổi thì có nguy cơ bị tím tái, ngạt thở thậm chí là tử vong do trong đậu có chứa một số chất gây ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển oxy, thường được gọi là hiện tượng methemoglobin tương tự như nguy cơ khi ăn củ dền”, bác sĩ Loan cảnh báo.