Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trẻ mắc Omicron, triệu chứng gì mới cần đi bệnh viện?

Ngày 15/03/2022 09:07 AM (GMT+7)

Thật ra, số trẻ F0 phải nhập viện đợt Omicron này không nhiều dù phụ huynh đưa tới bệnh viện khám thì nhiều; mà tới khám vì lo lắng cũng chiếm số đông chứ không phải vì có triệu chứng đáng ngại.

Những ngày qua, nhiều bệnh viện nhi khoa đông trẻ em được phụ huynh đưa tới khám khi test Covid-19 ra 2 vạch. Tuy nhiên, hầu hết các trẻ này được cho về và cũng được kê những loại thuốc y như các thuốc phổ biến thuộc nhóm có thể mua ở nhà thuốc mà không cần toa, ví dụ thuốc hạ sốt paracetamol.

Triệu chứng khiến nhiều phụ huynh lo lắng tới nỗi đưa con đi bệnh viện là sốt cao khó hạ, vấn đề một số trẻ gặp phải trong đợt dịch Omicron này, đặc biệt là nhóm trẻ "nhỡ nhỡ".

Với Covid-19 chủng Omicron, thật ra đó không phải là triệu chứng nguy hiểm. Dù sốt cao khó hạ nhưng sẽ mau hết hơn sốt xuất huyết, tay chân miệng rất nhiều, thường sẽ khỏi trong vòng 36 giờ. Khi trẻ sốt cao khó hạ, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt đủ liều: 15 mg/1 kg cân nặng, trẻ 30-35 kg thì cứ cho uống viên 500 mg như người lớn.

Khi nào cơn sốt là nguy hiểm, cần đi khám: Đó là khi trẻ sốt trên 48 giờ, vì lúc đó khả năng cao là trẻ mắc sốt xuất huyết chứ không phải Covid-19, cũng có thể mắc cả 2 bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm hơn.

Triệu chứng nôn ói cũng vậy: Nếu nôn ói mà 2 vạch, nên mừng! Nôn ói do Covid-19 là triệu chứng lành tính, sẽ sớm khỏi trong vòng 24 giờ. Còn nếu nôn ói vì có một loại siêu vi tấn công lên não thì sẽ dễ nhận biết: Nôn ói kéo dài, ngày càng nặng thêm.

Một số người thì cho biết bản thân rất lo lắng vì không biết xét nghiệm ở nhà có chính xác không nên muốn đem con đi viện để kiểm tra lại.

Tuy nhiên, đó là một quyết định nên cân nhắc, bởi việc trẻ đang bệnh, mệt phải chờ đợi trong một bệnh viện đông đúc có thể khiến trẻ mệt mỏi thêm. Nếu con bạn là đứa trẻ bình thường, không có bệnh nền nặng, hãy tin là Omicron sẽ sớm qua mà không để lại di chứng nào.

Nếu thấy có triệu chứng đặc trưng của Covid-19 mà xét nghiệm không ra thì cũng bình tĩnh mà chữa triệu chứng. Đúng là có những trường hợp bệnh mấy ngày test nhanh mới thấy dương tính. Có thể do test được sản xuất cho các chủng trước nên có phần kém hiệu quả ở chủng mới.

Tuy nhiên, miễn là triệu chứng hết, không cần phải tốn kém, mệt mỏi tìm "2 vạch" làm gì!

Nếu có thực sự cần khám thì cũng cân nhắc: hoàn toàn có thể khám ở cơ sở y tế gần nhà, phòng khám, thay vì phải lên bệnh viện tuyến tỉnh, thành.

Trẻ cần đi khám khi bị Covid-19 là những trẻ quá sức dư cân, ví dụ còn nhỏ đã nặng 80-90 kg, hoặc có bệnh lý nặng như bại não, suy gan, suy thận... và dạng tiểu đường không được kiểm soát ổn định.

Có những trẻ bị tiểu đường mà không hay: Nên đặt nghi vấn khi trẻ có một giai đoạn ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân khó hiểu trong vòng 5-6 tháng qua. Những trẻ này mới dễ gặp nguy cơ khi mắc Covid-19, còn tiểu đường mà vẫn kiểm soát tốt thì không đáng lo.

Vì sao ho dai dẳng hậu COVID-19? Những thực phẩm nhất định phải kiêng khi bị ho
Ho là tình trạng sức khoẻ vô cùng khó chịu, ảnh hưởng lớn đến đời sống người bệnh. Tuy điều trị không đơn giản, việc biết bị ho không nên ăn gì và...

Dịch COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề COVID-19 ở trẻ em