Theo BS Nguyễn Lân Đính, việc uống nước cũng cần tập thành một thói quen.
Giống như việc bạn duy trì tập thể dục buổi sáng, mỗi khi thức dậy, dù khát hay không, bạn hãy uống ngay một ly nước lọc. Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Đừng đợi khát
Khi quá khát, người ta dễ uống nước nhiều một lúc. Điều này không tốt vì lượng nước nhiều sẽ khiến dung lượng máu tăng cao, tim phải làm nhiệm vụ đẩy máu mạnh hơn, dần dần dẫn tới hại tim. Do đó, khi quá khát, bạn chỉ nên uống một lượng vừa phải, tốt nhất là không để khát khô cổ mới uống.
Nước để quá lâu không tốt
Nước sôi để nguội, tuy không có vi trùng, nhưng những khoáng chất tan trong nước cũng như nồng độ chất có hại trong kim loại nặng tăng lên, có thể gây độc cho máu.
Giống như việc bạn duy trì tập thể dục buổi sáng, mỗi khi thức dậy, dù khát hay không, bạn hãy uống ngay một ly nước lọc (Ảnh: Internet)
Không uống nhiều khi ăn
Trước và sau khi ăn khoảng nửa giờ cũng như trong khi ăn, không nên uống nhiều nước. Khi đến giờ ăn, dạ dày sẽ tiết ra dịch vị theo phản xạ có điều kiện, làm cho phần lớn các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn trở nên dễ hấp thu. Nếu trước, trong và sau khi ăn mà uống nhiều nước, sẽ làm loãng dịch tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, lâu dần gây bất lợi cho sức khỏe. Tốt nhất là chỉ nên uống lượng vừa phải canh hoặc nước rau luộc.
Không uống lạnh sau khi nói nhiều
Sau khi cổ họng hoạt động trong thời gian dài, lượng máu phân bổ ở đây chưa trở về trạng thái bình thường, nếu uống ngay nhiều nước lạnh sẽ làm cho mạch máu co lại đột ngột, dễ gây viêm họng cấp. Vì vậy, lúc đó bạn chỉ nên uống nước ấm và uống từ từ.
Nước tinh khiết chưa hẳn đã tốt
Thận là bộ phận lọc chất độc cho cơ thể. Hai quả thận của chúng ta hằng ngày có thể lọc từ 0,5 lít chất độc trong nước tiểu. Do vậy, nếu chỉ dùng nước tinh khiết sẽ làm yếu chức năng của thận và lâu ngày có thể làm thận thoái hóa. Cũng như nhiều cơ quan khác, thận phải được hoạt động thường xuyên. Do đó, thỉnh thoảng bạn nên uống các loại nước có thể không tinh khiết như nước mưa đun sôi, nước lọc, nước máy đun sôi…
Không uống nước nóng, lạnh cùng lúc
Vì khi uống như vậy sẽ làm răng bị nóng lạnh đột ngột, dễ sinh bệnh về răng. Bên cạnh đó, uống nước nóng, lạnh cùng lúc sẽ kích thích huyết quản dạ dày và tá tràng co lại - nở ra đột ngột, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, thậm chí loét dạ dày. Do đó, đồ uống nóng, lạnh phải được uống cách nhau ít nhất một tiếng rưỡi.