Việc dùng nước lá tắm cho trẻ khi bị mẩn ngứa hết sức nguy hiểm, bởi nó có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng toàn thân, nếu không điều trị sớm trẻ dễ có nguy cơ tử vong.
Ngày 06/10/2018, Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) tiếp nhận bé Nình Xuân T. (32 ngày tuổi, dân tộc Sán Chỉ, thường trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), nhập viện trong tình trạng da toàn thân bị tổn thương, viêm kết giác mạc.
Gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 1 tuần, cháu bé xuất hiện nổi bọng nước rải rác toàn thân, sau đó nốt mụn nước to dần và vỡ chảy mủ. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như vậy, thay vì đưa đến viện để được thăm khám, gia đình đã dùng nước lá tắm cho trẻ khiến tình trạng ngày càng nặng hơn.
Sau khi tiếp nhận và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, cháu T. bị viêm da mụn mủ, viêm kết giác mạch và được đưa vào khoa các bệnh nhiệt đới để điều trị. BS Đỗ Thị Bích Phượng cho biết, Trường hợp của bé Nình Xuân T., bị viêm da rất nặng, hai bên mặt, toàn thân bong tróc thành cả mảng lớn và nhìn rất đáng sợ.
Bé trai lở loét khắp người sau khi phụ huynh dùng nước lá để tắm.
Theo BS Phượng, hiện nay nhiều trường hợp trẻ khi xuất hiện nốt mẩn ngứa trên người, gia đình không đưa trẻ đi khám mà lấy nước lá tắm cho con, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng đến lúc này mới đưa trẻ đi khám.
Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình không nên tắm nước lá cho trẻ nếu không biết rõ loại lá và tính chất của chúng, tránh tình trạng lở loét, nhiễm trùng. Trường hợp bệnh nặng để lâu có thể gây nhiễm trùng toàn thân khi đó trẻ có biểu hiện sốt không kịp thời điều trị bệnh trẻ sẽ có nguy cơ tử vong.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh các loại nước lá có khả năng chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Việc thường xuyên sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ mỗi khi bị rôm sảy, mẩn ngứa có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Đặc biệt, với làn da rất nhạy cảm của trẻ, bất cứ một hóa chất hay tác dụng sinh học nào cũng có thể khiến da bé bị ngứa rát, phồng rộp. Chưa kể, nhiều loại lá cây mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi vẫn không diệt hết mầm bệnh, sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao cho bé.
Hàng ngày phụ huynh nên tắm rửa cho trẻ bằng các loại sữa tắm chuyên dụng, đã được kiểm định bởi cơ quan chức năng. Ngoài ra, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, chất liệu cotton, hạn chế cho bé ra nắng và giữ nhiệt độ phòng mát mẻ.
Không cho trẻ ăn nhiều đồ nóng, không lạm dụng các loại kem dưỡng ẩm vì có thể gây bít lỗ chân lông khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn. Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ tránh tình trạng trẻ tự cào xước da dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
BS Phượng cũng lưu ý, khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, nổi mụn chân, tay, người; giật mình khi ngủ; viêm da, phụ huynh nên đưa con tới khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và dứt điểm.