Bé 6 tuổi Hà Nội sốt trên 40 độ, sốc nhiễm khuẩn vì hành động ai cũng làm sau khi bị muỗi đốt

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 22/11/2022 11:29 AM (GMT+7)

Rất nhiều trẻ khi bị muỗi đốt thường lấy tay gãi mạnh cho đỡ ngứa, việc làm này là rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương da, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây nhiễm trùng huyết.

Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao (40-41 độ C), sốc nhiễm khuẩn nặng, rét run từng cơn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt…

Sau khi thăm khám và đánh giá toàn trạng, bác sĩ phát hiện một cái nhọt (mụn) sưng tấy đỏ ở vùng cẳng chân, sờ thấy sưng nề toàn bộ cẳng chân và nghi đây là ổ nhiễm khuẩn. Ngay sau đó, cháu bé đã được chống sốc, dùng kháng sinh liều cao.

Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, ổ nhọt ở chân trẻ là do nốt muỗi đốt, sau đó cháu bé gãi và ngày hôm sau bắt đầu sưng to. Sau đó, mẹ bé đã tự mua thuốc bôi cho con nhưng tình trạng sốt vẫn ngày càng nặng, cuối cùng cháu lả đi và được đưa đến viện trong đêm.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ cho biết cháu bé nhiều khả năng đã bị vi khuẩn xâm nhập vào máu, thậm chí là phổi… Do đó việc điều trị có thể mất nhiều thời gian.

Hành động gãi ngứa sau khi bị muỗi đốt rất nguy hiểm nó tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết. Ảnh minh họa.

Hành động gãi ngứa sau khi bị muỗi đốt rất nguy hiểm nó tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết. Ảnh minh họa. 

Theo các bác sĩ, việc bị muỗi đốt, hay xuất hiện các mụn nhọt vùng mặt cần cẩn trọng, đặc biệt vùng mặt nhiều mạch máu lại gần các dây thần kinh trung ương nên rất dễ gây viêm não - màng não và nhiễm khuẩn huyết, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Chia sẻ về vấn đề trẻ thường xuyên bị muỗi đốt có phải nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết, TS. BS. Huỳnh Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, cho biết rất ít khi bị muỗi đốt gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, chúng chỉ xảy ra khi trẻ gãi gây trầy xước và bị vi khuẩn tấn công, gây viêm tấy lan rộng và nhiễm trùng vào máu.

TS Hồng Quang cho biết, hiện có không ít người chủ quan khi con bị muỗi đốt hay các loại côn trùng chích, cắn, đốt. Thực tế, có nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong rất cao vì những vết xước siêu nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được.

Thông thường, vết đốt ban đầu chỉ là vết thương nhỏ nhưng sau đó sẽ sưng to do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Đối với trẻ em, tình trạng này sẽ ngày càng nguy hiểm khi mắc phải nhiễm trùng máu và dễ để lại biến chứng.

Khi bị muỗi hay côn trùng đốt, cắn cần thoa kem, rửa sạch chứ không nên gãi. Ảnh minh họa.

Khi bị muỗi hay côn trùng đốt, cắn cần thoa kem, rửa sạch chứ không nên gãi. Ảnh minh họa. 

Để phòng tránh muỗi và hạn chế tác hại của việc bị muỗi đốt, cha mẹ khi cho con đi ngủ cần mắc màn, kể cả ban ngày. Khu vực nhà ở, giường ngủ cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi.

TS.BS Huỳnh Hồng Quang tư vấn, khi bị côn trùng cắn, đốt nên xử lý theo các bước sau:

- Tránh gãi: Khi gãi, độc tố sẽ phát tán rộng hơn. Nếu cào gãi mạnh, vết đốt có thể nặng hơn vì nhiễm trùng do tay bẩn và da sẽ bị trầy xước, để lại sẹo.

- Lấy ngòi độc và làm sạch vết thương: Khi bị côn trùng cắn, đốt, mẹ cần nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra (nếu có) rồi làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc các chất sát trùng. Mẹ có thể chườm đá cho bé để giảm đau và sưng đỏ.

- Thoa thuốc: Sử dụng các loại thuốc thoa tại chỗ với thành phần kháng viêm và giảm ngứa, giúp vết cắn, đốt mau chóng hồi phục, chứa các thành phần như Prednisolone Valerate Acetate, Crotamiton, Allantoin…

- Đưa trẻ tới viện khi có dấu hiệu bất thường.

Bé 5 tuổi liệt tứ chi vì căn bệnh nguy hiểm ở não có thể lây qua vết muỗi đốt
Sau cơn sốt cao kèm đau đầu, bé trai 5 tuổi đã được đưa đến bệnh viện thăm khám. Tại đây cháu bé được chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản tiên lượng nặng,...

Viêm não Nhật Bản

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác