Thấy con sốt cao, bỏ bú, bố mẹ đưa bé đi khám thì được chẩn đoán viêm phổi phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, khi cho con ăn trong viện, mẹ thấy con nuốt nghẹn, tím tái, đưa vào phòng cấp cứu mới phát hiện bé có dị vật bên trong, suýt nguy kịch.
Sau hơn 3 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), ngày 11/4, bệnh nhi trên đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện.
Trước đó, cuối tháng 12/2022, thấy con sốt liên miên, bỏ bú, vợ chồng anh P ở đã đưa con đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi, cần nhập viện theo dõi. Trong những ngày con nằm viện, người mẹ cho con ăn thì thấy bé có cảm giác nghẹn, tím tái và sưng cổ nên vội đưa con vào phòng cấp cứu. Lúc này, bác sĩ nghi ngờ bé hóc dị vật nên chụp CT thì phát hiện có mảnh xương nằm tại vùng thực quản của trẻ. Khi hỏi lại người thân, bố mẹ mới được bà cho biết, trước ngày nhập viện có nấu cháo lươn cho cháu ăn nhưng không phát hiện trong cháo vẫn còn xương, gây ra sự việc trên.
Sau hơn 3 tháng chiến đấu với bệnh tật, hiện sức khỏe của bệnh nhi hồi phục và được xuất viện ngày 11/4. Ảnh: BVCC.
Bé gái nhập viện với tình trạng sốt, ho, thở mệt. Theo Zing, các bác sĩ cho biết, bệnh của trẻ diễn tiến nặng rất nhanh, khiến bé suy hô hấp, nhiễm trùng máu, phải nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) thở máy, truyền dịch và kháng sinh phổ rộng.
Ảnh chụp CT scan ngực ghi nhận có khối áp xe vị trí nằm ngay phía sau tim, cạnh khí quản, thực quản và các mạch máu lớn. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ nghi ngờ bé bị mắc dị vật.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi lồng ngực cấp cứu, ekip điều trị phát hiện trong ổ áp xe của bệnh nhi có 2 mảnh xương sắc nhọn, nên tiến hành xử lý dị vật, bơm rửa, dẫn lưu trung thất. Dị vật sau khi lấy ra được xác định là 2 mảnh xương lươn, làm thủng thực quản, xuyên vào trung thất đến khoang màng phổi.
2 mảnh xương lươn lớn được lấy ra. Ảnh: Dân Trí.
Sau đó, bé được đặt ống thông dạ dày, đưa sữa và thức ăn lỏng vào dạ dày để nuôi ăn. Trong thời gian điều trị, tình trạng nhiễm trùng của bé diễn tiến rất nặng, vết thủng thực quản gây viêm mủn nên không thể khâu lại lỗ dò thực quản. Các bác sĩ tiếp tục cho bé thở máy, phối hợp kháng sinh, điều trị nâng đỡ.
Bệnh nhi phải vào phòng mổ rất nhiều lần để xử lý vết thủng thực quản, bơm rửa mủ vết thương ở trung thất và màng phổi. Đến khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, các bác sĩ mới có thể tiến hành khâu lại lỗ thủng.
Sau hơn 3 tháng điều trị, bệnh nhi đã hồi phục. Người cha cho biết trên Dân Trí, tổng viện phí điều trị cho con anh phải đóng (sau khi trừ bảo hiểm y tế) là gần 100 triệu đồng.
"Trải qua sự việc này, tôi mong các phụ huynh khi cho trẻ ăn hay chăm sóc trẻ nói chung đều phải cẩn trọng. Đừng để xảy ra chuyện giống con tôi, lỡ không may mắn vượt qua được thì hối hận không kịp" - người cha nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Hiền, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, đây là trường hợp hóc dị vật rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi chế biến các thực phẩm có xương hoặc vỏ (như cá, lươn, tôm, cua, thực phẩm dạng hạt), đồng thời không cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, máy tính hoặc đọc sách. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ hóc dị vật, nên đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
COVID-19: WHO "tô đỏ" gần hết châu Á, có khu vực tăng 481%
Hơn 3 triệu ca mắc mới và 21.149 ca tử vong mới do COVID-19 đã được báo cáo về Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong 28 ngày qua.
Theo báo cáo dịch tễ chi tiết mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 14-4, ba khu vực dịch tễ báo cáo số ca cao nhất vẫn là châu Âu, châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam), với số ca mới lần lượt là hơn 1,257 triệu, hơn 882.000 và hơn 719.000.
Số ca tử vong ở ba khu vực này lần lượt là 9.844, 8.237 và 2.019 người, chỉ trong 28 ngày thống kê gần nhất.
Tuy số ca cao nhưng ba khu vực này đang trên xu hướng "hạ nhiệt", giảm lần lượt 22%, 33% và 39% về số ca mắc; giảm 12%, 37% và 62%.
Bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc mới - Ảnh: WHO
Có sự khác biệt rất lớn ở Tây Thái Bình Dương, khu vực dịch tễ gồm một phần châu Á địa lý và châu Úc địa lý. Số ca mắc và tử vong của khu vực này giảm chủ yếu do sự giảm nhiệt từ ba quốc gia vừa bị làn sóng mạnh quét qua cuối năm 2022 - đầu năm 2023 là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn nằm trong "top 3" về số ca với 275.126 ca được báo cáo ở Hàn Quốc và 193.326 ca được báo cáo từ Nhật Bản, tuy nhiên số tử vong đã giảm thấp.
Một số quốc gia trong khu vực này bị WHO "tô đỏ" (tăng mạnh) trên bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc mới trên dân số trong 28 ngày qua, khi so sánh với chu kỳ 28 ngày trước, bao gồm Việt Nam và một số nước gần chúng ta như Philppines, Singapore. Màu cam thể hiện sự gia tăng vừa phải cũng xuất hiện ở Malaysia.
Tổng cộng có 39% quốc gia Tây Thái Bình Dương báo cáo sự gia tăng số ca mắc. Xét số quốc gia tăng mạnh (trên 20%) thì tỉ lệ là 29%.
Khu vực dịch tễ Đông Nam Á bên cạnh, tương ứng với một phần Đông Nam Á địa lý và Nam Á địa lý, cũng ngập trong sắc đỏ.
Khu vực này tuy báo cáo số ca hạn chế do xét nghiệm không phổ biến như 3 khu vực dịch tễ kia, nhưng lượng xét nghiệm giám sát cũng đủ phản ánh mức tăng tới 481% so với chu kỳ trước.
Các nước báo cáo số ca tăng mạnh nhất của khu vực dịch tễ Đông Nam Á bao gồm Ấn Độ (tăng 937%), Indonesia (tăng 93%) và Maldives (tăng 614%). Có tới 64% số quốc gia khu vực này báo cáo mức tăng trên 20%.
Đông Địa Trung Hải cũng báo cáo số ca hạn chế nhưng tỉ lệ tăng 144%, chủ yếu do số ca báo cáo từ khu vực Tây Á địa lý. Các nước báo cáo số ca mắc mới tăng cao nhất gồm Ả Rập Saudi, Quatar, Iran, Afghanistan, Pakistan...
Tuy nhiên nhìn chung hầu hết châu Á vẫn không tăng số ca tử vong dù tăng số ca mắc. Mức tăng số ca tử vong chỉ được ghi nhận rõ ràng nhất ở Ấn Độ, Iran, Bhutan, Bangladesh, nơi số ca mắc tăng mạnh hơn các nước khác.
Châu Phi vẫn báo cáo số ca mắc lẫn tử vong cực kỳ hạn chế là 9.155 ca và 22 ca.
Nhìn chung toàn thế giới, số ca mắc trong chu kỳ này giảm 28% so với chu kỳ trước, tử vong giảm sâu 30%.
(Theo Người Lao động)
TP HCM: Lần đầu xuất hiện biến chủng mới của Omicron, số ca mắc COVID-19 tăng nhẹ
Theo Sở Y tế TP.HCM, qua giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân COVID-19 từ ngày 11/01 đến 20/03, có 05 mẫu được giải mã thành công, trong đó, có 02 chủng thuộc biến thể phụ BA.5; 1 mẫu BA.2.75; 1 mẫu XBB.1 và 1 mẫu XBB.1.5. Đây là lần đầu tiên XBB.1.5 được ghi nhận tại Việt Nam.
Về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM, tính từ đầu tháng 3 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 01 ca/ngày, trong tuần từ ngày 6/4/2023 đến ngày 12/4/2023 đã có 06 bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 03 ca mắc mới và ngày 13/4 là 07 ca. Hiện có 12 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), XBB.1.5 đang là biến thể chiếm ưu thế trên toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023), XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia. Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành.
TP.HCM lần đầu ghi nhận biến chủng mới của Omicron.
WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời có 07 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1. Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).
Trước những diễn biến trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp, phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV 2 lưu hành. tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao.
Ngày 13/4, GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Omicron vẫn là biến thể chủ đạo, biến thể phụ xuất hiện nhiều nhưng không làm gia tăng nguy cơ chuyển nặng. Đặc biệt, GS Lân nhấn mạnh việc tiêm vắc xin dù không ngăn chặn được nhiều sự lây lan các biến thể phụ của Omicron nhưng sẽ làm giảm biến chứng nặng khi mắc phải.
Theo GS Lân, các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, chúng ta cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao. Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm nhập viện, tử vong, không quá tải hệ thống y tế. Người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, trong môi trường kín nên đeo khẩu trang. Các đối tượng còn lại khi đến cơ sở y tế, đi trên phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang. Hai vấn đề quan trọng là 2K và vắc xin.