Thấy con có triệu chứng khó thở, cha mẹ của cháu Bùi Tiến Anh ở Hòa Bình đã đưa con tới viện khám và ngỡ ngàng khi biết con bị tổn thương gan, phổi do một thói quen ăn uống sai lầm.
BS Trần Huy Thọ - Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ và người lớn nhập viện vì các bệnh liên quan đến ký sinh trùng.
Điển hình như trường hợp của cháu Bùi Tiến Anh (5 tuổi, ở Hòa Bình), bị sán lá phổi đã điều trị tại viện hơn 1 tuần. Theo chia sẻ của gia đình, trước khi vào viện cháu Tiến Anh xuất hiện triệu chứng khó thở, gia đình đưa đi khám thì được điều trị theo hướng viêm đường hô hấp.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng thêm, vì thế gia đình đã đưa cháu xuống Hà Nội kiểm tra.
Thói quen ăn tôm, cua nướng chưa chín kỹ rất dễ bị sán lá phổi.
Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, qua làm các xét nghiệm lâm sàng, cháu Tiến Anh được chẩn đoán bị sán lá phổi, sán lá gan lớn. Do bị sán tấn công nên cả phổi và gan của bệnh nhi đều bị tổn thương và phải nhập viện điều trị.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân mắc sán lá phổi là do thói quen ăn uống của mọi người. Theo đó, khi ăn các loài động vật sống dưới nước như tôm, cua chưa được nấu, nướng chín sẽ có nguy cơ bị nhiễm sán lá phổi.
BS Trần Huy Thọ cho biết, bệnh sán lá phổi trước đây chủ yếu xuất hiện ở một số tỉnh như Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai… Tuy nhiên, thời gian gần đây khoa tiếp nhận nhiều ca sán lá phổi ở các tỉnh không có bệnh lưu hành như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vĩnh Phúc…
Bệnh nhân đều gặp các triệu chứng về hô hấp điều trị bệnh lý phổi không hiệu quả. Bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với sán và điều trị theo hướng nhiễm ký sinh trùng thì giảm hẳn triệu chứng.
Về cơ chế gây bệnh, BS Thọ cho biết, khi người dân ăn tôm, cua, cá chưa nấu chín có ấu trùng sán lá phổi, ấu trùng sán sẽ vào đường tiêu hóa, xuyên qua các ống tiêu hóa vào ổ bụng. Sau đó, ấu trùng tiếp tục xuyên qua cơ hoành vào màng phổi, nhu phổi để làm tổ.
Khi sán ký sinh trong phổi có thể gây ra hoại tử khu trú nhu mô phổi, phản ứng viêm hình thành nên các ổ áp xe, u hạt.
Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm sán lá phổi là đau tức ngực, tràn dịch màng phổi, đau bụng thượng vị, sút cân, khỏi thở… Cách phòng bệnh hiệu quả nhất, đó là người dân phải thực hiện ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn gỏi các loại hải sản hoặc ăn cua khi chưa nấu chín.