Với thời tiết se lạnh, rất nhiều gia đình lựa chọn món lẩu là chủ đạo trong dịp Tết, chính điều này tiềm ẩn không ít nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các bệnh do giun, sán gây ra.
Dịp Tết đến xuân về, sau những buổi sum họp gia đình với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh… nhiều gia đình sẽ đổi món bằng các nồi lẩu với những món đơn giản như cá, gà và không thể thiếu đó là rau xanh ăn sống và nhúng tái.
Ngoài ra, không ít gia đình trong dịp Tết còn tích trữ khá nhiều các món đồ ăn nhanh được chuẩn bị trước như: nem chua, nem chạo, thịt chua…. Những đồ ăn này không chỉ nhanh mà còn được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là những “đấng mày râu” thường xuyên “chén chú, chén anh”.
Vẫn biết, nhu cầu ăn uống là không thể thiếu của mỗi người, nhất là trong những dịp gia đình đoàn tụ trong ngày Tết, nhưng ít ai biết được rằng việc sử dụng những món ăn trên đang là nguồn cơn gây nên những căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Trong đó, nguy hiểm nhất là căn bệnh liên cầu khuẩn do ăn thịt lợn tái sống. Ngoài ra, có không ít trường hợp bị sán lên não hoặc sán làm tổ trong gan vì thói quen ăn thịt, rau sống hoặc tái trong dịp Tết.
Những loại rau thủy sinh rất dễ nhiễm sán lá gan.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với chúng tôi TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, thói quen sử dụng rau sống, đặc biệt là các loại rau thủy sinh như: rau cần, rau muống, rau cải xoong… sẽ khiến ấu trùng sán lá gan lớn đi vào trong cơ thể và gây bệnh cho nhiều người.
Còn đối với những trường hợp sử dụng các loại đồ ăn như cá nhúng, gỏi cá mè, trắm, trôi… sẽ rất dễ nhiễm các loại sán lá gan nhỏ. Những trường hợp bị nhiễm sán lá gan nhỏ, thường sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật… thậm chí ung thư đường mật.
Theo TS Dũng, việc nhiễm các loại sán lá gan lớn thì diễn ra ở khắp các vùng miền, vì thói quen ăn rau sống của người dân là rất phổ biến. Còn riêng đối với sán lá gan nhỏ thì chia theo vùng dịch tễ, tập trung chủ yếu ở khu vực Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang…
Một trường hợp bị sán làm tổ trong não do ăn tiết canh được điều trị tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.
Để phòng bệnh do sán lá gan gây ra, TS Dũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các lại thực phẩm như gỏi, tái từ cá. Với rau sống, tốt nhất người dân nên từ bỏ thói quen này, nếu không cần phải rửa rau dưới vòi nước, hoặc ngâm rau trong thuốc tím với nồng độ cho phép để diệt ấu trùng trước khi ăn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sán não và sán lá gan chiếm tỷ lệ cao nhất tại viện. Trong đó, những trường hợp người bệnh bị sán làm tổ trong não chủ yếu là do thói quen ăn thịt lợn tái, lợn bệnh nhiễm sán, tiết canh…
BS Thọ cho biết, rất nhiều trường hợp sau khi sử dụng đồ ăn không đảm bảo an toàn, bị sán làm tổ trong não nhưng chủ quan hoặc lại nghĩ đến bệnh khác, bởi vậy khi phát hiện ra thì đã ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.
Chính vì thế, để phòng bệnh BS Thọ khuyến cáo người dân, tuyệt đối không ăn các đồ sống, tái, tiết canh đặc biệt là trong dịp Tết. Cho dù đó là những loại thực phẩm sạch do nhà sản xuất ra hay biết rõ nguồn gốc.