Khi con mắc tay chân miệng, mẹ soi camera phát hiện hình ảnh cô giáo bón cho các học sinh ăn chung bát, chung thìa. Đây chính là nguy cơ lây bệnh không chỉ tay chân miệng, mà còn nhiều bệnh khác.
Sau một thời gian dài nghỉ dịch COVID-19, mới đây các cơ sở giáo dục từ mầm non đến bậc đại học đều quay trở lại trường để tiếp tục học tập. Thời điểm học sinh đi học cũng là lúc thời tiết có những diễn biến phức tạp, nhiều bệnh có nguy cơ phát triển. Đặc biệt, ở cấp học mầm non và tiểu học nguy cơ mắc các bệnh như thủy đậu, ho gà, tay chân miệng… rất lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) hiện đang tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng, đây là bệnh xuất hiện nhiều trong mùa hè, đặc biệt là có nguy cơ lây lan cao trong trường học.
Bé trai 2,5 tháng tuổi mắc tay chân miệng khi mới đi học trở lại.
Cả hai ca bệnh đều ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nhập viện gần như cùng 1 thời điểm. Ca bệnh thứ nhất là cháu N.Đ.T.S. (2,5 tuổi) biểu hiện ban đầu của cháu là sốt, chân tay nổi nốt đỏ. Khi đi khám tư, bác sĩ có cho uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi sốt cao không hạ, gia đình đưa đến khám và được cho nhập viện.
“Khi dùng thuốc bôi vào các nốt trên tay chân miệng thì có đỡ. Tuy nhiên, do tình trạng sốt cao liên tục sợ có biến chứng xảy ra đến đã chuyển xuống bệnh viện tuyến trung ương để điều trị”, người thân cháu S. chia sẻ.
Gia đình cũng cho biết, cháu S. mới được gia đình cho đi học mầm non trở lại được 1 tuần, nên nguyên nhân có thể lây từ các bạn học trong lớp. “Khi cháu đi học, mẹ ở nhà soi camera thì thấy cô giáo bón cho các cháu ăn chung bát, chung thìa đó có thể là nguyên nhân lây bệnh”, người thân cháu S. nói.
Bác sĩ cho biết, bệnh nhi S. vào viện từ ngày 26/5 khi vào viện có biểu hiện sốt cao liên tục, các nốt trên tay chân miệng đã đỡ. Ngay sau đó bệnh nhi được điều trị theo đúng phác đồ, sau 1 ngày điều trị bệnh nhi đỡ hơn. Ngày 28/5, bệnh nhi đã được cắt thuốc an thần, hết hẳn sốt và tiếp tục theo dõi. Nếu không có gì thay đổi ngày mai 29/5 bệnh nhi sẽ được xuất viện.
Bé trai 23 tháng mắc tay chân miệng có những triệu chứng bệnh nặng điển hình như sốt cao, run tay chân, giật mình...
Ca chân tay miệng thứ 2 đang điều trị tại trung tâm là cháu Q.B. (23 tháng tuổi) phát hiện bệnh từ ngày 24/5, biểu hiện ban đầu là có vài nốt đỏ ở tay và lòng bàn chân. Đi khám bác sĩ kết luận bị tay chân miệng, đến ngày hôm sau bé B. sốt cao nên gia đình đưa lên tuyến trung ương điều trị.
Chị Thảo (mẹ cháu B.) cho biết, khi bắt đầu sốt, con chị đã có biểu hiện run tay, run chân. Khi đến viện bác sĩ cho biết đã chuyển sang giai đoạn 2 của bệnh, dễ để lại biến chứng nguy hiểm như ảnh hưởng não, tim mạch.
Chị Thảo cho biết, con trai chị chưa đi học mầm non, nhưng từ khi sinh ra sức khỏe yếu vì bị viêm phổi từ bé, sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh hơn những trẻ khác.
Hiện tại, cháu B. vẫn có sốt nhẹ, những biểu hiện run tay, run chân đỡ hơn, tình trạng giật mình cũng đã hết. Do vẫn còn sốt nên bác sĩ vẫn chỉ định theo dõi tại viện để tránh những biến chứng không mong muốn.
Tiến sĩ Lâm cho biết, giữa bàn tay sạch, đồ chơi sạch, ăn uống sạch và đủ chất là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mùa hè là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Tính từ đầu năm đến nay trung tâm ghi nhận hơn 10 ca mắc bệnh tay chân miệng. Số ca ghi nhận ít là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trẻ bị bệnh tay chân miệng phải nằm rải rác tại nhiều bệnh viện nhưng số trẻ nhập viện lại là những ca nặng.
“Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện, bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng nên các phụ huynh cần phòng tránh bằng cách tăng cường đảm bảo vệ sinh cho trẻ.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất ở gia đình và nhà trường đó là luôn giữ bàn tay sạch, đồ chơi sạch. Ngoài ra, cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giấc và giữ gìn nhà cửa thông thoáng”, tiến sĩ Lâm khuyến cáo.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh hay gặp vào mùa hè, tuy nhiên bệnh vẫn xảy ra rải rác quanh năm. Bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hoá khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ: Ở thể nhẹ thường có dấu hiệu: - Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. - Tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... - Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc... Các dấu hiệu bệnh nặng: - Quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ (cứ 15 – 20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc). Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm. - Sốt cao không hạ - trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt. - Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc. |