Ung thư vú đang là một trong số những căn bệnh nhiều phụ nữ Việt mắc nhất, tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này không quá khó như chị em vẫn tưởng.
Ung thư vú - căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới và Việt Nam
Theo nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Ước tính có hơn 2 triệu ca ung thư vú mới và hơn 600.000 ca tử vong do ung thư vú ở phụ nữ và nam giới trên toàn thế giới xảy ra vào năm 2018.
Các chuyên gia đầu ngành khẳng định ung thư vú là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới
Tỷ lệ mắc ung thư vú trên toàn thế giới khác nhau. Nhìn chung, các quốc gia phát triển (như Mỹ, Anh và Úc) có tỷ lệ cao hơn các nước đang phát triển (như Campuchia, Nepal và Rwanda). Tuy nhiên, ung thư vú lại là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư ở phụ nữ tại các nước đang phát triển này.
Tỷ lệ mắc ung thư vú trên toàn thế giới. (Nguồn: Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
GS.TS Mai Trọng Khoa – nguyên GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư vú hiện nay là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, nếu năm 2013 tỉ lệ mắc ung thư vú ở mức 24,4 người mắc/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tỉ lệ này đã tăng lên 26,2 người mắc/100.000 phụ nữ
Còn theo số liệu của tổ chức Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) được công bố năm 2018, tại Việt Nam, ung thư vú là bệnh lý đứng đầu về tỷ lệ mới mắc ở nữ giới với 15.229 ca (chiếm 20,6%) và đứng thứ tư về tỷ lệ tử vong với 6.103 ca (chiếm 5,66%).
Đánh giá về tỉ lệ mắc mới và tử vong của căn bệnh ung thư vú, GS Khoa cho biết cả thế giới và Việt Nam đều có một điểm chung đó là, tỉ lệ phát hiện ca mắc mới đều rất cao. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong ở các nước phát triển lại rất thấp do họ phát hiện sớm và được điều trị kịp thời. Còn ở Việt Nam tỉ lệ tử vong do ung thư vú hàng năm vẫn rất cao.
“Tại Việt Nam hiện nay chúng ta đã có các phương pháp chẩn đoán, các phương điều trị đều đủ hết và ngang tầm thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa đạt được kết quả như một số nước phát triển là do việc phát hiện sớm và sàng lọc trong cộng đồng chưa tốt.
GS Mai Trọng Khoa cho rằng, ở Việt Nam, tỉ lệ người tử vong do ung thư vú còn cao do chưa được phát hiện bệnh sớm.
"Hầu hết các bệnh nhân đến với chúng tôi đều ở giai đoạn muộn. Đối với giai đoạn muộn việc điều trị khó khăn hơn, hiệu quả điều trị thấp, tỉ lệ tử vong cao và đó là điều rất đáng tiếc”, GS Khoa nhận định.
Để phát hiện sớm ung thư vú, giảm tỉ lệ tử vong do căn bệnh này, GS Khoa cho rằng, cần phải xây dựng được một chiến lược, mô hình về chẩn đoán và điều trị. “Điều quan trọng nhất là việc chẩn đoán phát hiện sớm và việc đưa ra phương pháp điều trị phải được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, chỉ có như vậy mới làm giảm tỉ lệ tử vong khi mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng”, GS Khoa nói.
Phát hiện sớm ung thư vú không khó
Dù đang là căn bệnh ung thư có tỉ lệ mắc hàng đầu ở phụ nữ, nhưng theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương – GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc phát hiện sớm căn bệnh này không hề khó khăn, thậm chí tự bản thân mỗi chị em cũng có thể tự khám và phát hiện được bệnh qua các dấu hiệu cảnh báo sớm.
PGS Phạm Cẩm Phương cho rằng việc phát hiện dấu hiệu cảnh báo ban đầu của ung thư vú không hề khó.
“Ung thư vú là bệnh có thể sàng lọc và phát hiện sớm được, vì vú của người phụ nữ là một tạng ngay phía ngoài cơ thể. Hàng ngày khi chị em tắm, đứng trước gương và tự nhìn xem vú của mình có thay đổi gì hay không. Từ những thay đổi đó có thể nhanh chóng đến các bệnh viện chuyên khoa để khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời”, PGS Phạm Cẩm Phương chia sẻ.
Theo tư vấn của PGS Cẩm Phương, sau khi phát hiện thấy những dấu hiệu sau đây thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.
- Khi thấy vú to bất thường: Khi chị em cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng... rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh ung thư vú.
Chị em phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
- Đau tức ngực hoặc tuyến vú: Với chị em trong thời kỳ hành kinh hoặc đang cho con bú thấy vú có biểu hiện cương cứng thì được cho là bình thường. Tuy nhiên, khi những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên cả những ngày bình thường và có dấu hiệu tăng dần khi đến thời kỳ kinh nguyệt thì cần phải sớm đi khám, cũng như chụp chiếu tuyến vú của mình xem có bất thường gì không.
- Nổi u cục ở tuyến vú: Khi phát hiện khối u bất thường ở vú chị em cần đi khám ngay lập tức vì đây có thể là khối u lành tính, nhưng cũng không loại trừ đó là khối u ác tính. Với dấu hiệu này chị em hoàn toàn có thể tự khám vú cho mình, bằng cách hàng tháng khi hết kinh nguyệt, tự tay sờ nắn vú để phát hiện bất thường.
PGS Phương cho biết, qua thực tế thăm khám đã gặp rất nhiều trường hợp phát hiện sớm ung thư vú nhờ vào việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.
- Quan sát thay đổi vùng da vú: Đây cũng là một trong những cách tự khám vú để phát hiện bệnh. Theo đó, hàng ngày mỗi khi tắm chị em hãy đứng trước gương và quan sát vùng da vú có thay đổi bất thường không, có bị co kéo hoặc lõm xuống dưới hoặc núm vú có bị tụt hay không. Đặc biệt khi nặn ra các dịch máu ở núm vú hoặc sờ thấy hạch ở nách, ở vú thì cần phải đi khám ngay.