Ngày 19/6, vào khoảng 9 giờ 50 phút tối, Bệnh viện Nhân dân Thiệu Hưng, Chiết Giang, (Trung Quốc) tiếp nhận ca 3 đứa trẻ 5 tuổi nhập viện khẩn cấp.
Bác sĩ Trần Thanh Xuân - phó chủ nhiệm Khoa nội nhi của bệnh viện đã ngay lập tức tiến hành kiểm tra và nhận thấy những đứa trẻ đã bị nhiễm khí độc carbon monoxide ( khí CO)
Sau khi hỏi thăm bố mẹ của 3 đứa trẻ, được biết khi hết giờ học, gia đình đã đón các con từ trường đi ăn tối ở nhà hàng và chọn món cá nướng.
Mẹ cậu bé Dương Dương (tên đã được thay đổi) chia sẻ với bác sĩ: “Vì muốn có một không gian ấm cúng vui vẻ, lại có thể thoải mái cho con trẻ chơi đùa nên chúng tôi đã đặt một căn phòng khá riêng biệt với các cửa được đóng kín. Sau đó cả nhà đã gọi món cá nướng, ngoài ra cũng ăn thêm một số món khác. Chúng tôi nướng cá khoảng nửa tiếng và sau khi ăn 1 tiếng thì đột nhiên con trai tôi ngất xỉu.”
Sau khi ăn món cá nướng khoảng 1 tiếng, cậu bé Dương Dương đột nhiên ngất xỉu. (Ảnh minh họa)
Ban đầu mẹ của Dương Dương không nhận ra sự nguy hiểm. Khi mọi người đang ăn uống nói chuyện, cô thấy con trai trong lúc đùa nghịch đập trán vào cạnh bàn rồi ngã xuống đất. Lúc ấy, cô chỉ nghĩ con trai đang chơi đùa, nhưng khi nhìn qua phía bên kia, cô lại thấy bé gái Manh Manh (tên đã được thay đổi) cũng đột nhiên ngã xuống đất.
Ngay lập tức, các vị phụ huynh đều hốt hoảng và nhận ra đang có vấn đề nên nhanh chóng đưa những đứa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.
Tại sao cả gia đình cùng đi ăn, chỉ những đứa trẻ gặp vấn đề?
Bác sĩ Trần Thanh Xuân cho biết, điều này có liên quan đến sự trao đổi chất nhanh chóng của trẻ con. Con trẻ thường nhạy cảm với môi trường hơn so với người lớn.
“Đứa trẻ đầu tiên ngất xỉu và may mắn người lớn đã kịp nhìn thấy. Khí độc carbon monoxide không mùi, không vị, những đứa trẻ nhạy cảm với môi trường đã phản ứng với chúng. May mắn cho mọi người sau khi thấy đứa trẻ đầu tiên ngất xỉu đã kịp thời phát hiện và đưa tới bệnh viện. Nếu cả gia đình tiếp tục ở lại trong phòng kín quá lâu có thể cũng đã gặp nguy hiểm.” bác sĩ giải thích thêm.
Không gian phòng kín cả gia đình ngồi ăn. (Ảnh minh họa)
Đứa trẻ còn lại là Lạc Lạc (tên đã được thay đổi) cũng được đưa tới bệnh viện sau Dương Dương và Manh Manh trong tình trạng mặt xanh xao, mất dần ý thức. Ngay khi nhận trường hợp này, bác sĩ cũng đưa Lạc Lạc vào phòng cấp cứu để điều trị.
Bác sĩ Trần cảnh báo các bậc phụ huynh khi dẫn con đi ăn ở những nơi có không gian kín. Cô nói rằng, bất kể là than hay cồn vẫn có khả năng cháy không hoàn toàn và từ đó xuất hiện khí độc carbon monoxide.
Hơn nữa, nếu khí độc này sản sinh trong không gian kín mít, không thoáng khí như phòng ăn riêng biệt mà các vị phụ huynh kia ngồi ăn cùng những đứa trẻ lại cực kỳ nguy hiểm.
Hiện tại, tình hình của 3 đứa trẻ đã dần hồi phục, không có nguy hiểm đến tính mạng. Cuối cùng, bác sĩ Trần muốn nhắc nhở các bậc cha mẹ, nếu như gia đình có nhu cầu ăn thịt nướng thì cần bảo đảm ăn ở nơi có không khí được lưu thông, thoáng khí.
Video: Cách chống ngạt khí CO trong các đám cháy bằng tấm đệm
Khí CO độc hại thế nào với cơ thể?
Khí carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do đó khi bị ngộ độc thường khó phát hiện, đến khi biết mình bị nhiễm độc thì không còn khả năng gọi cấp cứu nữa.
CO là chất gây ngạt toàn thân do nó chiếm mất oxy, gây giảmôxy máu ở tất cả các cơ quan. Những cơ quan nào sử dụng nhiều oxy nhất sẽ bị tổn thương nặng nhất đặc biệt là các cơ quan quan trọng là não và tim.
Khí CO được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon như dùng than để đun nấu, sưởi ấm, chạy máy phát điện, khói từ các vụ cháy nhà, khói xả từ động cơ ô tô, xe máy, ở nơi thông khí kém (phòng kín, khu vực ít lưu thông khí), sử dụng lò nướng bằng khí đốt để sưởi...
Nạn nhân dễ tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn hoặc có thể để lại di chứng thần kinh -tâm thần nặng nề (4-40%).
Biểu hiện ngộ độc khí CO
Đầu tiên là biểu hiện ngộ độc nhẹ: thường đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi có thể chẩn đoán nhầm với nhiễm virut. Da có thể chuyển biến đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.
Ngộ độc khí CO nguy hiểm hoặc nặng có thể biểu hiện toàn thân: người bệnh bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co giật, bất tỉnh co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường; có thể tụt huyết áp, nhịp tim không đều; đau ngực. Ngoài ra có thể gặp tổn thương cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim; khó thở, trào bọt hồng; biểu hiện tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.
Cách xử trí và phòng ngộ độc khí CO
Khi phát hiện ra nạn nhân bị ngộ độc khí CO cần khẩn trương đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt (lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu), mở cửa cho thoáng khí. Đồng thời nhanh chóng gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở: thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo miệng-miệng hay miệng-mũi. Nếu bệnh nhân không tỉnh đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn.