Thí nghiệm của các nhà khoa học Đan Mạch tại ĐH Aarhus mới được công bố trên tờ Journal of Natural Products của Hội Hóa học Mỹ nêu khả năng hai loại hóa chất đặc biệt trong cà phê là cafestone và caffeic acid có thể giúp phòng tránh tác hại của bệnh đái tháo đường type 2.
Có hơn 1.000 thành phần hóa học đã được phát hiện trong cà phê, trong đó được nhắc đến nhiều là caffeine cùng với quinic acid, acetylmethycarbinol, dimethyl disulfide, putrescine, niacin, trigonelline, theophylline… đều có ít nhiều tác dụng sinh học khác nhau.
Nhóm nghiên cứu chú ý đến cafestone và caffeic acid, thử nghiệm tác dụng của hai hóa chất này lên tế bào chuột trong ống nghiệm và nhận thấy cả hai đều làm tăng sự sản sinh insulin khi có đường hiện diện. Đặc biệt, cafestone còn giúp gia tăng sự hấp thu đường vào tế bào cơ, ở tỉ lệ tương đương với một số thuốc trị đái tháo đường hiện nay.
Cafestone và caffeic acid trong cà phê giúp tăng cường sản sinh insulin (Ảnh: The Huffington Post)
Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng do bệnh đái tháo đường khiến cơ thể ngưng phản ứng với insulin. Insulin vẫn được sản sinh nhưng gan và tế bào cơ không hấp thu lượng đường dư. Ở giai đoạn đái tháo đường ban đầu, insulin tiếp tục được sản sinh để giúp cơ thể hấp thu đường nhiều hơn.
Tuy nhiên khi bệnh tiến triển, các tế bào sản sinh insulin ở tụy chết dần. Trưởng nhóm nghiên cứu Soren Gregersen kết luận: “Tác động kép của cafestone mới được phát hiện góp phần ngăn ngừa tác hại của đái tháo đường type 2 cho người dùng cà phê”.