Việc bổ sung dinh dưỡng, hoạt động tập luyện thể lực sau khi mắc COVID-19 rất quan trọng, nhưng không phải ai cũng biết thực hiện sao cho hiệu quả.
Bác sĩ Đỗ Anh (Bệnh viện Bạch Mai) người từng tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, TP Hồ Chí Minh và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID -19 tại Hà Nội cho biết, với các bệnh nhân mắc COVID-19 thì chế độ dinh dưỡng và bổ sung đủ nước là chìa khóa quan trọng để hồi phục tốt.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn có tác dụng giúp cải thiện chức năng phổi đối với bệnh nhân hậu COVID-19. Điều quan trọng nhất là cần cung cấp đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất nhằm giúp tái tạo hệ thống cơ, miễn dịch và năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Theo bác sĩ Đỗ Anh, người bệnh sau khi khỏi có thể bổ sung các thực phẩm, bao gồm:
- Nhóm hoa quả tươi gồm: Lê, táo, bưởi… là những loại trái cây chứa nhiều vitamin, giàu chất chống oxy hóa, rất tốt cho hệ thống hô hấp, tăng cường chức năng miễn dịch.
- Các loại rau xanh như cải ngọt, rau bina, cải xoăn, bắp cải, cà chua... Những loại rau trên chứa rất nhiều vitamin cần thiết cũng như khoáng chất… giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Tỏi và gừng: Hai loại gia vị rất tốt cho quá trình thải độc tố của cơ thể cũng như có tác dụng diệt virus.
Gừng và tỏi là gia vị sẵn có giúp tăng miễn dịch, chống được lại cả virus.
- Về đồ uống: Nên uống trà xanh bởi nó có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, tăng cường sức khỏe tim mạch, chống ung thư…
- Các món ăn giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống COVID-19: súp gà, khoai tây, nước dừa, yến mạch, sữa chua…
Bác sĩ Đỗ Anh cũng khuyến cáo, người bệnh không tự ý bổ sung thuốc bổ, trường hợp không bổ sung được đầy đủ dinh dưỡng từ thực phẩm thì nên tham khảo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, dù là người đang mắc COVID-19 hay mới khỏi bệnh, việc bổ sung đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất là vô cùng quan trọng nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Tuy nhiên, với những người mới mắc COVID-19 xong ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt có trường hợp xuất hiện tình trạng chán ăn nên có thể chia thành nhiều bữa nhỏ hoặc có thể ăn thêm 2-3 bữa phụ ngày. Các bữa phụ nữ bổ sung sữa, sữa chua, quả chín để bổ sung vitamin tự nhiên cho cơ thể.
Ngoài việc tăng cường các loại thực phẩm trên vào chế độ ăn uống trong giai đoạn phục hồi, người mắc COVID-19 cần lưu ý những điều sau để thực hiện chế độ ăn uống hiệu quả hơn:
- Ưu tiên các sản phẩm như: thịt, cá, trái cây, rau… tươi sống, mới thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế các sản phẩm đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn.
- Đảm bảo tất cả các bữa ăn của người bệnh đều được nấu tại nhà thay vì phụ thuộc vào các loại đồ ăn bên ngoài.
- Ăn nhiều thức ăn trong một bữa có thể khó khăn trong giai đoạn đầu hồi phục sau nhiễm COVID-19, do vậy người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày.
- Nhiều bệnh nhân COVID-19 gặp khó khăn khi nuốt trong thời gian hồi phục, vì vậy nên chế biến các món ăn lỏng, mềm để dễ nuốt và hấp thu tốt hơn.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc và ăn uống.