Căn bệnh nếu mắc là điều trị suốt đời đang tấn công trẻ nhỏ nhưng nhiều mẹ vẫn chủ quan

Ngày 09/07/2019 00:08 AM (GMT+7)

Nhiều người vẫn nghĩ, tiểu đường là căn bệnh chỉ có người trưởng thành mới mắc phải, tuy nhiên hiện nay số trẻ mắc tiểu đường đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Căn bệnh nếu mắc là điều trị suốt đời đang tấn công trẻ nhỏ nhưng nhiều mẹ vẫn chủ quan - 1

Tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh mãn tính và đang ngày càng gia tăng, điều đáng nói căn bệnh này hiện đang tấn công cả người trẻ, trong đó có cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại chủ quan cho rằng tiểu đường là căn bệnh của người già, người trưởng thành nên không đưa con đi khám, vì thế khi phát hiện bệnh đã ở trong giai đoạn muộn.

PGS Tạ Văn Bình – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đái tháo đường Việt Nam cho biết, suy nghĩ như trên của các bậc phụ huynh chỉ đúng so với cách đây khoảng 30 năm về trước. Bởi, trước đây một bệnh nhân 40 tuổi mắc tiểu đường được xem là hiếm gặp và khó tìm thì hiện nay độ tuổi của bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã xuất hiện ở cả những cháu thiếu niên.

Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, trẻ 8,9 tuổi cũng mắc bệnh

Theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ ba với gần 5 triệu người mắc bệnh. “Hiện nay, đái tháo đường trở thành bệnh phổ biến. Đặc biệt, hơn 60% người bệnh mắc đái tháo đường mà không biết có bệnh. Đáng nói số người mắc đang càng trẻ hóa, thậm chí có những trẻ mới 8 - 9 tuổi đã bị đái tháo đường tuýp 2”, PGS Bình chia sẻ.

Căn bệnh nếu mắc là điều trị suốt đời đang tấn công trẻ nhỏ nhưng nhiều mẹ vẫn chủ quan - 2

Một bé trai 9 tuổi ở Nam Định mắc tiểu đường phải nhập viện điều trị.

TS.BS Lê Quang Toàn, trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, ở lứa tuổi trẻ em trước đây gần như 100% chỉ mắc tiểu đường tuýp 1, nhưng giờ đã xuất hiện những cháu ở độ tuổi rất nhỏ mắc tiểu đường tuýp 2.

“Tại Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể về thực trạng trẻ mắc đái tháo đường ở cả tuýp 1 và tuýp 2. Tuy nhiên, ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản tỷ lệ trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 chiếm khoảng dưới 5%”, TS Toàn cho hay.

Dù Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức, nhưng qua số liệu khám bệnh ở một số trung tâm trẻ em lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 hiện nay tăng gấp đôi so với trước những năm 2000.

TS Toàn dẫn chứng, trước năm 2000, mỗi năm có thể chỉ tiếp đón 15-20 ca mắc tiểu đường, nhưng hiện nay con số đó lên tới 30-40 ca/năm. “Con số này dù không nhiều nhưng qua đó có thể thấy xu hướng trẻ mắc đái tháo đường đang tăng lên”, TS Toàn chia sẻ.

Căn bệnh nếu mắc là điều trị suốt đời đang tấn công trẻ nhỏ nhưng nhiều mẹ vẫn chủ quan - 3

TS Toàn cảnh báo tiểu đường đang tấn công trẻ nhỏ.

Cũng như tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 hiện cũng chưa có con số thống kê chính thức, nhưng chắc chắn tỉ lệ trẻ mắc cũng đang gia tăng theo từng năm. Điển hình như ở Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tiếp nhận khoảng 10 trẻ bị tiểu đường tuýp 2, con số này trước đây dường như không xuất hiện.

Trẻ mắc tiểu đường có thể phải theo dõi suốt đời

Dù tỉ lệ trẻ đái tháo đường có tăng lên, nhưng hiện nay với những phương tiện chẩn đoán sớm và ý thức của phụ huynh ngày càng được cải thiện, vì thế đa phần trẻ phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, ít để lại biến chứng.

“Trước đây nhiều trẻ mắc đái tháo đường đến khám khi đã muộn thậm chí là có biến chứng cấp tính khi mắc đái tháo đường tuýp 1, nhưng hiện nay điều đó rất ít. Qua đó chứng tỏ ý thức phòng bệnh của bố mẹ đang ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ bố mẹ chủ quan không nghĩ con còn nhỏ đã mắc đái tháo đường nên phát hiện bệnh muộn và điều trị gặp nhiều khó khăn”, TS Toàn chia sẻ.

Theo BS Toàn, đối với những trẻ mắc tiểu đường thì sẽ phải theo dõi suốt đời. Theo đó, với đái tháo đường tuýp 1 sẽ không thể điều trị khỏi hoàn toàn được. Còn đái tháo đường type 2 nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ có biện pháp điều trị duy trì, trong quá trình điều trị sẽ kiểm soát cả cân nặng. “Hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn đái tháo đường. Mà trong quá trình điều trị cần phải kết hợp bằng việc kiểm soát chế độ ăn, tập luyện, nếu buông lỏng thì tình trạng nặng sẽ tăng lên, dễ gây biến chứng”, BS Toàn cho hay.

Về nguyên nhân dẫn đến bệnh đáo tháo đường ở cả tuýp 1 và tuýp 2, theo TS Toàn đó chính là do tác động của yếu tố di truyền và tác động của đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ do ăn uống gây nên tình trạng thừa cân, béo phì từ đó dẫn đến đái tháo đường, hay những đứa trẻ sinh ra từ bố hoặc mẹ mắc đái tháo đường thì nguy cơ mắc cao hơn từ 7-20 lần đứa trẻ sinh ra từ bố mẹ bình thường.

Cậu bé 13 tuổi thiệt mạng vì tiểu đường, thủ phạm thực sự là thực phẩm mà trẻ thích
Gần đây, có thông tin "cậu bé 13 tuổi chết sau khi tham gia trại hè", sự việc gây sự chú ý lớn trong xã hội. Nguyên nhân gây nên cái chết của cậu bé...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường.