Sau khi ăn món đậu hầm, một cặp đôi đã phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi.
Anna Sullivan là một người ăn uống thuần chay và không ăn thịt, sữa. Gần đây cô đã làm món đậu hầm theo công thức học trên mạng. Sau khi ngâm đậu, cô đã cho đậu vào nồi nấu chậm suốt 7 tiếng. Khi mở ra, cô thấy đậu vẫn có kích thước như cũ, không thay đổi gì nhưng vẫn quyết định lấy ra ăn trưa.
Khi ăn, Anna cũng cảm thấy đậu có chút dai dai nhưng cô vẫn bỏ qua. Buổi chiều, cô bắt đầu thấy chóng mặt, mệt người nên sếp đã yêu cầu cô về nhà nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, Anna tiếp tục làm một món đậu hầm khác để ăn trưa với bạn trai. Khi Anna kể với bạn trai về vấn đề cô gặp hôm trước, anh đã nghi ngờ món đậu mà Anna ăn có vấn đề. Sau đó, người bạn trai đã tra cứu trên mạng và nhận ra món đậu mà Anna ăn thực sự là nguyên nhân. Ngay lập tức, cả hai quyết định dừng ăn món hầm nhưng đã quá muộn, cặp đôi đã xuất hiện dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.
Vấn đề là một độc tố ít được biết đến gọi là glycoprotein lectin, xuất hiện tự nhiên trong đậu. Nấu chín đậu sẽ giúp tiêu diệt độc tố, nhưng đậu chưa nấu chín có thể gây ra các triệu chứng viêm dạ dày ruột như đau bụng, tiêu chảy và chóng mặt.
Sai lầm của Anne là không luộc đậu trong mười phút trước khi cho vào nồi nấu chậm. Những gì cô ấy nên làm là ngâm đậu trong năm giờ, để ráo nước, rửa sạch sau đó luộc chúng trong mười phút và mới cho vào nồi nấu chậm.
Tại sao đậu không nấu chín lại gây ngộ độc
Đậu sống hoặc nấu chưa chín có thể chứa một hàm lượng glycoprotein lectin cao. Đây là hóa chất độc hại gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy sau 3 giờ tiêu thụ. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, một phần đậu nấu chưa chín có thể chứa tới 70.000 đơn vị độc tố, nhưng nấu chín hoàn toàn chỉ có 4.000 đơn vị.
Bạn có thể nấu chín đậu bằng cách ngâm chúng trong nước ít nhất 5h, bỏ nước, sau đó đun sôi cho tới khi đậu mềm.
Triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm
Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm:
- Nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy;
- Đau bụng;
- Sốt;
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng;
- Chán ăn;
- Đau cơ;
- Ớn lạnh;
Khi bị ngộ độc thức ăn, điều quan trọng là bạn cần phải nôn hết thức ăn đã ăn vào. Tuy nhiên, bạn không nên gây nôn ở trẻ em vì trẻ dễ bị sặc. Sau khi nôn hết, bạn hãy uống oresol để bù điện giải.
Nếu người bệnh bị co giật, ngừng thở và ngừng tim, bạn hãy hô hấp nhân tạo. Nếu người bệnh hôn mê, bạn hãy đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên, phòng chất nôn tràn vào phổi. Sau khi sơ cứu, bạn hãy nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện để được điều trị.