Cha mẹ phát hiện con có nguy cơ dị tật khi còn trong bụng mẹ nhưng không ngờ khi chào đời, mũi miệng em bé sùi bọt không dừng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/01/2023 11:47 AM (GMT+7)

Dù biết con bị dị tật nhưng hai vợ chồng không ngờ tình trạng lại nặng và phức tạp như vậy. Khi chào đời thấy con bị sùi bọt mũi miệng liên tục khiến bố mẹ cháu bé vô cùng đau lòng.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật một bệnh nhi bị teo thực quản bẩm sinh rất hiếm gặp. Bệnh nhi là cháu K.N (ở TP.HCM), ngay sau sinh cháu bé đã bị khó thở, sùi bọt mũi miệng liên tục, các bác sĩ không thể đặt được sonde vào dạ dày và đã chuyển bé đến một bệnh viện chuyên khoa Nhi tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi cấp cứu và xử trí tại đây, cháu N tiếp tục được chuyển ra BV Nhi Trung ương điều trị.

Bố cháu bé chia sẻ, khi vợ anh mang thai được 33 tuần thì phát hiện bị đa ối. Bác sĩ giải thích là em bé sinh ra có nguy cơ mắc dị tật teo thực quản. Tuy nhiên, gia đình không rằng bé K.N lại mắc dị tật teo thực quản bẩm sinh phức tạp đến vậy.

Được biết, thời điểm nhập viện, cháu bé ở trong tình trạng viêm phổi rất nặng, không nuốt được, sùi bọt ở miệng, mũi (sùi bọt cua) liên tục. Sau khi được làm các xét nghiệm thăm dò phân loại chẩn đoán teo thực quản (type A) kèm khe hở khí thực quản.

Sau khi được phẫu thuật, điều trị cháu bé đã ổn định hơn, không còn tình trạng ho, sặc.

Sau khi được phẫu thuật, điều trị cháu bé đã ổn định hơn, không còn tình trạng ho, sặc.

Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết dị tật teo thực quản type A là dị tật phức tạp, hiếm gặp, việc phẫu thuật và hậu phẫu khó khăn. Việc mắc dị tật teo thực quản type A khiến chất lượng cuộc sống của bé K.N rất thấp, nước bọt tiết ra ứ tại thực quản teo khiến bé thường xuyên phải nhè nước bọt và móc họng. Hơn nữa, trẻ không ăn được, chỉ bơm sữa qua mở thông dạ dày, cần được phẫu thuật tạo hình thực quản sớm.

“Chúng tôi đã tiến hành cắt một đoạn đại tràng ngang đưa lên lồng ngực thay thế cho đoạn thực quản teo. Ca phẫu thuật được tiến hành trong 8 giờ. Đây là kỹ thuật khó nhất ở trong phẫu thuật teo thực quản bẩm sinh”, bác sĩ Khôi cho hay. Hiện trẻ đã ổn định, không còn các triệu chứng trước khi phẫu thuật, trẻ có thể tự ăn, không ho, không sặc, không sốt và được các bác sĩ cho xuất viện.

Theo các bác sĩ, teo thực quản là một dị tật nguy hiểm, dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều trị bằng phẫu thuật cũng rất khó khăn vì là một cuộc phẫu thuật lớn ở ngực, trong khi trẻ mới sinh ra còn nhỏ, sức chịu đựng yếu, nhất là trẻ luôn có tình trạng viêm phổi trước mổ, thường hay xảy ra với trẻ sinh non, nhẹ cân.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để bảo vệ tính mạng những trẻ bị teo thực quản, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu biết để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, đưa con đi khám và điều trị kịp thời. Việc phẫu thuật sớm sẽ tránh được một số biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.

Bé gái 5 tuổi liên tục bị lồng ruột vì mắc hội chứng có thế dẫn tới ung thư

Ngày 4/1, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi mắc Hội chứng Peutz Jeghers (Peutz Jeghers Syndrome –PJS). Bệnh nhi là nữ, 5 tuổi, thường trú tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh, có tiền sử lồng ruột nhiều lần.

Lần này, bệnh nhi vào viện với biểu hiện sốt, qua siêu âm phát hiện khối lồng 29mm. Nghi ngờ bệnh nhân mắc Hội chứng Peutz-Jeghers, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn chuyên khoa và chỉ định kiểm tra các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến lồng ruột tái phát bằng chụp CT ổ bụng, phát hiện bệnh nhi có khối polyp 26x86mm ở ruột.

Các bác sĩ phẫu thuật cho cháu bé mắc Hội chứng Peutz Jeghers (Peutz Jeghers Syndrome –PJS.

Các bác sĩ phẫu thuật cho cháu bé mắc Hội chứng Peutz Jeghers (Peutz Jeghers Syndrome –PJS. 

E-kíp phẫu thuật khoa Ngoại chuyên khoa và Gây mê hồi tỉnh đã tiến hành phẫu thuật nội soi tháo lồng, xử lý 4 khối lồng trong lòng ruột và tiến hành loại bỏ 5 khối polyp, bảo tồn đoạn ruột cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, sức khỏe trẻ ổn định, không sốt, da, niêm mạc hồng, bụng mềm, không chướng, được xuất viện sau 21 ngày điều trị.

Theo các bác sĩ, cháu bé này mắc Hội chứng Peutz Jeghers ít gặp, tần suất 1/200.000 trường hợp, đặc trưng bởi các nốt tăng sắc tố da, niêm và polyp lan tỏa đường tiêu hóa. Theo đó, ở đường tiêu hóa có nhiều polyp. Polyp Peutz Jeghers được coi là mô thừa dạng bướu, có số lượng nhiều, vị trí phổ biến nhất là ruột non (75%), ở dạ dày, đại tràng (25%). Polyp có thể gây các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, đau bụng hoặc lồng ruột và có nguy cơ tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến đường tiêu hóa.

Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng gồm: nhiều cơn đau bụng lặp lại, xuất huyết tiêu hóa không giải thích được ở người bệnh trẻ, chu kì hành kinh không đều ở nữ, nữ hoá tuyến vú ở nam, dậy thì sớm… Do đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bệnh được chẩn đoán mắc hội chứng Peutz Jeghers cần được theo dõi, tầm soát định kì để điều trị triệu chứng và điều trị dự phòng.

Người phụ nữ bị xuất huyết não, liệt nửa người hồi phục thần kỳ

Sáng 4/1, các bác sĩ BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết các bác sĩ khoa Y dược học cổ truyền vừa điều trị thành công cho một nữ bệnh nhân bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não. Theo đó, nữ bệnh nhân 42 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội bị di chứng sau đột quỵ khi nửa người (bên phải) bị liệt kèm theo mất ngôn ngữ cấp tính, suy giảm nghiêm trọng khả năng giao tiếp.

Bệnh nhân bị vỡ mạch máu não, liệt nửa người hiện có thể tự đi lại bình thường.

Bệnh nhân bị vỡ mạch máu não, liệt nửa người hiện có thể tự đi lại bình thường.

Tháng 12/2022, bệnh nhân đến BV Đa khoa Đức Giang với mong muốn điều trị, phục hồi chức năng vì tuổi còn trẻ, không muốn phụ thuộc con cháu. Tại đây, bệnh nhân được đưa vào khoa Y dược cổ truyền điều trị.

Bác sĩ Mai Văn Dũng, Khoa Y dược học cổ truyền đưa ra phác đồ can thiệp tích cực cho người bệnh, cụ thể: sáng cho bệnh nhân tập vận động và vật lý trị liệu, chiều tiếp tục cho bệnh nhân tập phát âm, giao tiếp kết hợp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu trị liệu. Mặt khác, không ngừng động viên cổ vũ tinh thần bệnh nhân và gia đình. Ngoài ra, toàn bộ quá trình phục hồi đều được theo dõi và ghi chép cẩn thận để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong từng thời điểm.

Nhờ tích cực can thiệp đúng hướng, hiện tại khả năng vận động và khả năng giao tiếp của bệnh nhân đều được cải thiện đáng kể. Tình trạng co cứng chân tay đã giảm thiểu. Bệnh nhân đã tự đi lại mà không cần sự hỗ trợ của người thân. Quá trình giao tiếp cũng thực hiện bằng những câu dài. “Hiện bệnh nhân đã có thể hát được nhiều bài đơn giản thay vì chỉ nói từng từ như trước kia”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Được biết, hiện tình trạng người bị đột quỵ ngày càng nhiều, nhất là thời điểm mùa đông. Do vậy, khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ hãy đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu để được can thiệp kịp thời. Nếu qua thời gian vàng điều trị, nguy cơ bị biến chứng như liệt, mất ngôn ngữ, thậm chí tử vong là rất lớn. Trường hợp bị liệt vận động, ngôn ngữ cần cho bệnh nhân điều trị đông, tây y kết hợp để tăng khả năng hồi phục.

Từ vụ bé gái sinh nặng 4kg, chuyên gia khuyến cáo thai phụ cần thận trọng với dị tật này
Con sinh ra nặng gần 4kg, mẹ chưa kịp vui mừng đã ngã khuỵu với kết luận của bác sĩ với vùng bụng của con to bất thường. Các chuyên gia khuyến cáo...

Các bệnh khác khi mang thai

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đột quỵ