Chồng hay xa nhà, vợ hiếm muộn mừng như “bắt được vàng” khi nghe thông báo từ bệnh viện

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/07/2021 14:22 PM (GMT+7)

Vợ chồng đều bị hiếm muộn, chồng lại thường xuyên xa nhà nên khi nghe thông báo từ bệnh viện chị Trang vô cùng hạnh phúc và hét lên trong sung sướng.

Hai lần trượt cơ hội làm mẹ và hạnh phúc đến ở cuối con đường

Hầu như cặp vợ chồng nào khi đến với nhau đều mong muốn sớm có con yêu để hạnh phúc đong đầy, thế nhưng với không ít đôi, niềm hạnh phúc ấy đến rất muộn màng, thậm chí là phải trải qua không ít chông gai.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1988) và Lê Hải Phong (SN 1987) lấy nhau đã 7 năm trời và mới được đón nhận tin vui khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Chị Trang cho biết, trải qua bao năm tháng chạy chữa hiếm muộn, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên được bệnh viện hỗ trợ miễn phí khi tiến hành thăm khám và làm IVF.

Chị Trang là nhân viên văn phòng, còn chồng chị là một quân nhân thường xuyên phải công tác xa nhà. Ngày mới lấy nhau, hai vợ chồng mong ngóng từng ngày để đón con yêu chào đời, thế nhưng đợi mãi tin vui chẳng tới.

Đã có người cho rằng, có thể do vợ chồng xa nhau nên vậy, thế nhưng những ngày nghỉ phép chồng chị Trang về nhà nhưng kết quả vẫn là con số không. Sốt ruột anh chị đưa nhau đi khám ở nhiều bệnh viện, kết quả đều cho thấy tinh trùng anh Phong bị tinh trùng yếu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của hai vợ chồng trong một thời gian dài.

BS Hiền tư vấn cho chị Trang về quy trình thụ tinh trong ống nghiệm.

BS Hiền tư vấn cho chị Trang về quy trình thụ tinh trong ống nghiệm.

“Dù chồng đi công tác thỉnh thoảng mới về, nhưng hai vợ chồng chỉ nói đôi lời với nhau vì giữa cả hai luôn có một khoảng cách và cả những nỗi niềm mong ngóng đứa con chung”, chị Trang tâm sự.

Quyết tâm có con đã thôi thúc anh chị làm thụ tinh ống nghiệm, nhưng hai lần thực hiện đều thất bại khiến anh chị không khỏi buồn lòng. Sau đó gia đình lại xảy ra biến cố khi bố chồng chị Trang bị ung thư hạch, đái tháo đường, suy tim phải điều trị lâu dài từ Hải Phòng lên Hà Nội.

Sức khỏe bố ngày càng yếu, hai vợ chồng lại bàn nhau sẽ thực hiện quyết tâm có con một lần nữa. Thế nhưng kinh tế đã kiệt quệ, vì thế  để hiện thực hóa mong ước làm cha mẹ anh chị sẽ phải vay mượn rất nhiều.

Trong lúc bế tắc, hai vợ chồng biết tin BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ các cặp vợ chồng hiệm muộn có hoàn cảnh khó khăn nên đã  “đánh liều” nộp hồ sơ cho bệnh viện. Sau một thời gian chờ đợi, niềm vui đã đến khi hồ sơ của vợ chồng anh chị cùng 9 trường hợp khác được lãnh đạo bệnh viện xét duyệt.

May mắn lại mỉm cười với anh chị một lần nữa khi việc thụ tinh qua ống nghiệm đã thành công. “Con yêu đến với chúng tôi không chỉ làm niềm vui và hạnh phúc của hai vợ chồng mà còn là hy vọng, động lực để ông nội yên tâm chữa bệnh, là “liều thuốc” tinh thần giúp ông sớm khỏe mạnh”, chị Trang nghẹn ngào chia sẻ.

Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn khi làm xét nghiệm phát hiện chất lượng tinh trùng của chồng bị yếu.

Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn khi làm xét nghiệm phát hiện chất lượng tinh trùng của chồng bị yếu.

Một trường hợp khác là vợ chồng anh Lê Minh Bách (SN 1987) và chị Hoàng Thị An (SN1989) ở Phú Thọ đã lấy nhau được hơn 5 năm nhưng chưa có thai. 3 năm đầu kết hôn, do anh Bách đi xuất khẩu lao động nên hai anh chị đã tạm hoãn việc sinh con. Sau khi hết thời hạn đi lao động nước ngoài về, cặp đôi định có con luôn nhưng đợi mãi vẫn không thành.

Lo lắng, sốt ruột, hai vợ chồng đã đưa nhau đến BV Bạch Mai thăm khám. Tại đây, xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy, anh Bách có tinh trùng nhưng rất yếu, còn chị An thì bị tắc một bên vòi trứng. Khi có kết quả khám tại bệnh viện, vợ chồng anh Bách cũng quyết định dồn tiền để tiến hành can thiệp, mong sớm có con. Ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, hai người đã đón nhận tin vui. Niềm vui ấy lại nhân đôi khi chị An mang thai đôi một trai, một gái.

Được chồng và gia đình chăm sóc chu đáo, chị An mang thai đến 38 tuần thì mổ sinh. Khi chào đời, bé trai nặng 2,7kg, bé gái nặng 2,8kg. Hiện hai bé đã 2 tháng tuổi và được gia đình đưa về quê Phú Thọ chăm sóc.

Có những dấu hiệu nào thì vợ, chồng cần đi khám vô sinh, hiếm muộn?

Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Phó giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) không phải nhỏ. Vì vậy, sự hỗ trợ về chi phí sẽ giúp các gia đình chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ.

Ths.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn về cách điều trị bệnh.

Ths.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn về cách điều trị bệnh. 

Theo bác sĩ Hiền, hiện nay tình trạng vô sinh hiếm muộn đang ngày càng gia tăng và chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư, vì thế việc thăm khám sớm để tìm nguyên nhân, đưa ra hướng điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

Đối với người vợ, cần chú ý tới các dấu hiệu như kinh nguyệt không đều, hay mắc các bệnh phụ khoa, có tiền sử rối loạn hormone sinh dục, rối loạn nội tiết tốt, có tiền sử dùng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tiếp hoặc nạo phá thai nhiều… Những chị em này nếu kết hôn và quan hệ bình thường trong vòng 6 tháng đến một năm vẫn không có thai thì cần đi khám.

Đối với người chồng, nếu có các dấu hiệu như xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương, tinh trùng quá loãng hay quá đặc, tinh trùng có lẫn máu, mủ, các chất lạ, tinh trùng có màu bất thường, giảm ham muốn, ngại gần gũi hoặc có các vấn đề về bệnh lý như giãn tĩnh mạch tinh, quai bị hoặc chấn thương tinh hoàn... thì nên đi khám.

Trì hoãn đi khám sẽ làm mất đi cơ hội làm cha mẹ

Chia sẻ về vấn đề tinh trùng yếu, TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô - Phôi, Đại học Y Hà Nội; Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, cho biết, thông thường, trong cuộc "yêu", khi người đàn ông xuất tinh sẽ có hàng trăm triệu tinh trùng cùng bơi ngược lên tử cung để tìm trứng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi xét nghiệm, lượng tinh trùng có trong tinh dịch rất ít, số lượng tinh trùng khỏe mạnh chỉ chiếm 1 - 2%.

Bác sỹ Hà đang tư vấn cho người đến khám.

Bác sỹ Hà đang tư vấn cho người đến khám.

TS Hà cho biết, việc tinh trùng quá ít, có dị tật đầu, cổ, đuôi, khiến khả năng di động kém là vấn đề phổ biến gây vô sinh nam giới. Đôi khi các triệu chứng của tinh trùng thấp không rõ ràng, phải làm xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm gene AZF – gene di truyền gây yếu tinh trùng mới phát hiện. Bởi vậy, bác sĩ Hà cảnh báo, nếu càng “lười” khám và điều trị thì quý ông càng trì hoãn khả năng làm cha của mình.

Được biết, quá trình sinh tinh kéo dài từ 72 – 74 ngày, diễn ra trong điều kiện nhiệt độ 35 °C (thấp hơn nhiệt độ cơ thể), trong đó có 50 ngày ở trong ống sinh tinh. Sau khi ra khỏi tinh hoàn, các tinh trùng phải mất 12 - 21 ngày để qua mào tinh (mào tinh dài 5 - 6m) rồi phóng tinh ra ngoài.

Trong một mẫu tinh trùng khoẻ mạnh, khoảng 40% số tinh trùng có khả năng tự bơi và luồn lách giỏi để tham gia hành trình đi tìm trứng. Lượng tinh trùng có khẳ năng di chuyển tiến tới về phía trước yêu cầu tối thiểu là 32%. Tuy nhiên, người có tinh trùng “yếu” sẽ không đạt các điều kiện trên.

Mẹ hiếm muộn 11 năm mới có bầu, gần ngày sinh mắc COVID-19 và hành trình cứu hai mẹ con
Sau 11 năm kết hôn mới có bầu nhưng không may lại bị mắc COVID-19 và rơi vào tình trạng nguy kịch, thai phụ 35 tuần may mắn được cứu sống một cách...

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiếm muộn - Vô sinh