Chóng mặt là hiện tượng ai cũng có thể gặp, đặc biệt là ở chị em bước vào độ tuổi trung niên do sự thay đổi nội tiết tố, tâm sinh lý. Nếu chóng mặt khi đang lái xe, ngã quỵ… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh cũng làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm giảm sút chất lượng cuộc sống.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Phó trưởng khoa thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tham gia buổi tư vấn trực tuyến và dành cho độc giả nhiều lời khuyên bổ ích: chị em tuổi trung niên có thể cải thiện tình trạng chóng mặt bằng dinh dưỡng – vận động – lối sống.
Hỏi: Khi bước vào tuổi 40, tôi thấy mình thường hay chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống, nhịn ăn, mất ngủ, say tàu xe, tâm lý hoảng loạn, căng thẳng stress, đi kèm theo đó là các triệu chứng tim đập nhanh, mất thăng bằng, chân tay run, đổ mồ hôi, nhìn mờ, ù tai, đau đầu; thỉnh thoảng buồn nôn, đau ngực, khó thở. Vậy xin hỏi bác sĩ tôi nên đi khám ở đâu và điều trị như thế nào?
BS: Ở tuổi sau 40 tâm sinh lý bắt đầu thay đổi, áp lực công việc, gia đình, một số bước vào tuổi tiền mãn kinh... nên chóng mặt thường xảy ra hơn. Tình trạng chóng mặt của bạn liên quan trực tiếp đến những rối loạn tâm lý, căng thẳng. Các triệu chứng tim đập nhanh, run tay, đổ mồ hôi... cũng liên quan đến tình trạng này. Mức độ triệu chứng của bạn không đơn thuần là những thay đổi nhất thời mà đã là dấu hiệu bệnh lý. Do đó, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần để xác định bệnh và điều trị.
Bên cạnh đó, bạn cần sắp xếp công việc, cuộc sống để có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ăn ngủ điều độ, tăng cường tập thể dục, góp phần giảm thiểu triệu chứng và hỗ trợ điều trị.
Chóng mặt là hiên tượng liên quan đến tiền đình, thiếu máu, huyết áp hoặc căng thẳng, thiếu ngủ (ảnh minh họa)
Hỏi: Có nhiều anh chị đến tuổi trung niên thường bị rối loạn tiền đình, cứ hay chóng mặt, tụt huyết áp... Nguyên nhân đến từ đâu và làm sao để sống khỏe, không gặp tình trạng như các anh chị ấy?
BS: Chóng mặt có nhiều nguyên nhân, có những người chóng mặt xoay tròn là liên quan đến tiền đình, một số khác chỉ có choáng váng, xây xẩm, lâng lâng... có thể do thiếu máu, huyết áp, các bệnh nội khoa hoặc căng thẳng, thiếu ngủ. Những triệu chứng này được mọi người hay gọi chung là rối loạn tiền đình. Nhưng, bác sĩ sẽ phải xác định rõ nguyên nhân mới điều trị đúng.
Để được khỏe mạnh, cách tốt nhất vẫn là lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tập thể dục, tránh thức khuya...
Nghỉ ngơi, thư giãn là một trong những phương pháp giảm chóng mặt hiệu quả (ảnh minh họa)
Hỏi: Mẹ tôi năm nay 55 tuổi, đã bước vào giai đoạn mãn kinh nên người hay bị nóng bức khó chịu, dễ chóng mặt, thường xuyên bị trạng thái chóng mặt khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, ngồi sang đứng... Tôi đang muốn đưa mẹ đi khám thì đi khám ở khoa nào? Bệnh viện nào?
BS: Đây là những triệu chứng cũng thường gặp đối với phụ nữ ở lứa tuổi như mẹ của bạn. Thời kỳ mãn kinh, cơ thể có nhiều thay đổi kể cả về nội tiết, tâm sinh lý. Chóng mặt có thể xảy ra như một bệnh, nhưng cũng có thể là hậu quả của việc ăn kém, mất ngủ, lo âu. Nếu mẹ bạn có thể tự điều chỉnh bằng cách tập thể dục, tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi và ngủ đủ thì triệu chứng có thể giảm mà không cần dùng thuốc. Nếu không được, bạn có thể đưa mẹ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh ở các bệnh viện.
Hỏi: Mẹ em năm 50 tuổi, được chẩn đoán là bị rối loạn tiền đình và cho thuốc có hoạt chất acetyl-DL-leucine về uống. Xin hỏi nếu tình trạng này lại xảy ra, mẹ em có thể tiếp tục uống thuốc này hay không?
BS: Ở lứa tuổi 50 có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra chóng mặt. Việc điều trị thường phải dựa theo nguyên nhân, tuy nhiên hầu hết các nguyên nhân đều lành tính. Việc sử dụng thuốc như mẹ bạn đang uống có thể phù hợp với nhiều nguyên nhân. Nếu tái phát, mẹ bạn có thể tạm thời uống như vậy, nhưng sẽ phải tái khám nếu triệu chứng không giảm nhanh.