Rất nhiều người nghĩ rằng, mắc chủng Omicron là đã an toàn, không tái nhiễm lại vì vậy xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch, đây chính là điểm “tử huyệt” khiến dịch bùng phát và diễn biến khó lường.
Theo số liệu phân tích của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội, với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là tâm lý chủ quan của không ít người dân về việc đã mắc Omicron rồi thì không có khả năng tái nhiễm COVID-19 nữa. Chính điều này dẫn đến việc lơ là trong công tác phòng dịch, khiến tốc độ lây lan dịch trong cộng đồng tăng nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, tâm lý chủ quan đang có ở rất nhiều người khiến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát cao.
Bác sĩ Hường cho biết, hiện nhiều người chủ quan cho rằng, mắc Omicron là không bị tái nhiễm COVID-19 nữa.
Ngoài việc chủ quan cho rằng khi đã mắc Omicron thì không bị tái lại, hiện không ít gia đình có tâm lý “thả bệnh” vì cho rằng: Trước sau gì cũng mắc, thà mắc trước cho xong. “Đây là quan niệm hết sức sai lầm vì mắc Omicron hoàn toàn có thể tái nhiễm lại”, bác sĩ Hường chia sẻ.
Là đơn vị trực tiếp thu dung, khám cho người bệnh đang là F0, bác sĩ Hường cho biết, tại phòng khám này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp từng mắc biến chủng Omicron nhưng vẫn bị tái lại sau đó, có trường hợp chỉ sau 15 ngày đã nhiễm virus trở lại. Đáng nói, đa số các F0 được hỏi đều nói rằng: “Tưởng mắc Omicron rồi sẽ không bị tái lại nữa”.
Đối với việc đã mắc chủng Omicron nhưng vẫn tái lại đúng chủng cũ, bác sĩ Hường cho rằng, nguyên nhân là do tái nhiễm nhánh khác của cùng chủng đó. Theo đó, Omicron gồm 3 nhánh BA.1, BA.2, BA.3, chủng gốc BA.1 đã lan rộng trên toàn thế giới từ tháng 11/2021. Tới nay, chủng BA.2 đã dần thay thế, trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nhiều nước. Người từng nhiễm chủng ban đầu của Omicron, BA.1, sau đó có thể nhiễm tiếp chủng BA.2.
Cùng một biến thể Omicron nhưng người dân hoàn toàn có thể mắc các nhánh khác nhau. Ảnh minh họa.
Ngoài vấn đề trên, một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng, chủng Omicron có triệu chứng nhẹ, không nặng như Delta nên mắc cũng sẽ qua rất nhanh. Bác sĩ Hường cho rằng, đúng là chủng Omicron không nặng như Delta, thế nhưng mọi người cần nhớ rằng thời gian tái nhiễm sẽ rất ngắn, chính điều này làm bệnh nhân mệt mỏi, gây ra tâm lý hoang mang và sẽ kéo theo các vấn đề hậu COVID-19 phía sau.
Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thế Tiến (Khoa Nội tổng hợp, BV Đa khoa Đức Giang) cho biết, người mắc COVID-19 dù là biến thể Delta hay Omicron đều có thể gặp những biến chứng nặng và việc điều trị cho bệnh nhân mắc hai biến thể này không có sự khác nhau.
Theo đó, biến thể Omicron cũng như các biến thể khác của SARS-CoV-2 đều có thể tấn công vào tất cả các bộ phận trong cơ thể, trong đó có cả tấn công xuống phổi. Đặc biệt với những người đang có bệnh lý mãn tính, người cao tuổi, chưa tiêm vắc xin thì sẽ có nguy cơ cao hơn. Việc ghi nhận ít bệnh nhân nặng khi mắc Omicron so với chủng Delta trước đó một phân nguyên nhân là độ phủ vắc xin toàn dân ở nước ta khá cao.
Từ những chia sẻ trên, các chuyên gia khuyến cáo người mắc COVID-19 đã khỏi không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã "thoát", đã tạo được miễn dịch suốt đời. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K để chống lại các đợt tấn công mới của virus gây bệnh.
Đặc biệt, cần bảo vệ những đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao là người già bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vắc xin. “Biến chủng liên tục thay hình đổi dạng, thay tính chất miễn dịch, cơ thể không nhận diện được sẽ nhiễm lại. Do vậy, chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan trong bất cứ trường hợp nào”, bác sĩ Hường nhấn mạnh.