Sau thành công của ca ghép phổi, mẹ bệnh nhân xúc động khi con gái được hồi sinh. Với các bác sĩ, đây là một thành công vĩ đại vì ca ghép này đạt tới trình độ, quy trình cao nhất của quốc tế.
Chiều 15/2, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đã ghép phổi thành công cho một nữ bệnh nhân 21 tuổi (quê Bắc Kạn), vào ngày 09/02, tức 30 Tết Giáp Thìn. Nguồn phổi được hiến từ một nam thanh niên 26 tuổi, bị chết não do tai nạn giao thông và chuyển từ BV Quân đội 108 sang.
Nữ bệnh nhân vốn là sinh viên tại Thái Nguyên nhưng vì liên tục phải thở oxy tại nhà và cần người hỗ trợ cho các sinh hoạt hàng ngày nên đã nghỉ học giữa chừng. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh phổi hiếm gặp (bệnh phổi đục lỗ).
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương) cho biết, bệnh nhân đã nhập viện từ năm 2020 và ở trong danh sách chờ ghép phổi. Nếu không được ghép phổi, người bệnh có khả năng tử vong trong vài tháng tới.
Ca phẫu thuật ghép phổi được thực hiện đúng 30 Tết. Ảnh: BVCC.
“Bệnh nhân vừa ra viện hôm 28 âm lịch để về quê ăn Tết cùng gia đình và đã quay lại bệnh viện ngay ngày 29 khi có nguồn phổi hiến. Hôm đó có 3 ca được hội chẩn nhưng các bác sĩ đã quyết định chọn ca này vì bệnh nhân nặng nhất, nguy cơ tử vong cao nhất và mức độ hòa hợp các chỉ số xét nghiệm với người hiến tạng cũng tốt nhất”, bác Ngọc thông tin.
Ca phẫu thuật được tiến hành đúng 30 Tết và diễn ra trong vòng 12 giờ. Sau khi ghép phổi 2 ngày, bệnh nhân đã tập ngồi, tập đi lại, tập ăn và đã nuốt được. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân đã đi lại được 15 phút, các chỉ số đều ổn nên được rút một số thiết bị y tế.
Nữ bệnh nhân tập đi lại chỉ sau vài ngày phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
“Sau khi được rút ống nội khí quản, bệnh nhân đã khóc vì hạnh phúc, nhất là khi biết có mẹ và chị đang đợi ở ngoài phòng hậu phẫu. Bệnh nhân chia sẻ mong muốn sớm quay trở lại trường đại học”, bác sĩ Ngọc thông tin.
Chia sẻ sau khi con gái được phẫu thuật thành công, bà Phạm Thị Tường gửi lời cảm ơn đến người hiến phổi, các bác sĩ đã giúp con gái bà được kéo dài sự sống. Người mẹ kể rằng bà từng trải qua nhiều ngày tháng sống trong thấp thỏm, lo sợ vì con gái và chồng đều ốm đau, sẵn sàng rời xa mình bất cứ lúc nào.
“Mỗi ngày đi làm về, việc đầu tiên tôi làm là cất tiếng gọi con gái. Chỉ cần nghe tiếng con thưa là tôi hạnh phúc vì biết con còn sống. Trước khi được ghép phổi, tôi biết rằng thời gian con ở bên tôi chẳng còn được bao lâu. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã tới, con tôi đã được ghép phổi và hy vọng tới đây con sẽ có sức khỏe để viết tiếp ước mơ của mình”, bà Tường chia sẻ.
Mẹ bệnh nhân xúc động chia sẻ cảm xúc sau khi con gái phẫu thuật thành công. Ảnh: Lê Phương.
Theo nhận định của TS.BS Đinh Văn Lượng - GĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, thành công của ca ghép này là vĩ đại, bởi đã kết hợp được nhiều bộ phận, nhiều bệnh viện khác nhau để khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện.
“Khó khăn của ca ghép là phổi của nữ bệnh nhân bị dính, rất khó bóc dính khi phẫu thuật trước ghép. Khó khăn tiếp theo là tình trạng thiếu thiết bị, máy móc. Khi đó, chúng tôi phải gọi điện tới nhiều bệnh viện khác để được hỗ trợ đủ máy móc, với mong muốn thực hiện ca phẫu thuật theo tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Kết quả có được với bệnh nhân cũng là thành quả xứng đáng cho toàn bộ ê kíp thực hiện”, bác sĩ Lượng chia sẻ.