Ngày về ra mắt nhà bạn trai, chị Huệ run lập cập. Nhà anh ai cũng học cao, còn chị mới hết lớp 9. Thấm thoắt 24 năm, chị Huệ giờ sắp tốt nghiệp đại học y và người đồng hành với chị trong sự nghiệp học hành gian nan chính là mẹ chồng.
Căn nhà phố của bác sĩ Đỗ Thị Hợi (75 tuổi) ở mặt tiền đường lớn phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM. Gặp chúng tôi vào một ngày đầu tháng 10, bác sĩ Hợi cho biết, trước đây bà làm việc tại phòng y tế của một trường cao đẳng nghệ thuật gần nhà. Thời gian rảnh, bà theo đoàn bác sĩ đi các tỉnh miền Tây hoặc đến các nơi còn khó khăn của TP.HCM làm từ thiện, khám bệnh miễn phí cho người nghèo.
“Mấy năm nay, tuổi đã cao, lại thêm dịch chồng dịch, tôi quyết định nghỉ hưu hoàn toàn. Giờ tôi là “triệu phú” thời gian. Ngược lại, con dâu tôi lúc nào cũng bận việc. Dịch COVID-19 chưa hết lại có dịch sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ… nên con ở trạm y tế nhiều hơn ở nhà”, bác sĩ Hợi chia sẻ.
Bác sĩ Đỗ Thị Hợi khi tham gia chương trình Mẹ chồng nàng dâu. Ảnh: NVCC.
Hai năm trước, bác sĩ Hợi cùng con dâu là y sĩ Nguyễn Thị Huệ (46 tuổi), trưởng trạm y tế phường Phước Long A, TP Thủ Đức tham gia chương trình mẹ chồng nàng dâu trên truyền hình. Khi nghe hai mẹ con sống chung hơn 24 năm không xảy ra mâu thuẫn, mẹ chồng giúp con dâu mới học xong lớp 9 thi đậu ngành y, ai cũng thán phục và ngưỡng mộ.
Ngược thời gian, từ cuối những năm 90, sau khi tốt nghiệp cấp 2, chị Huệ nghỉ học, rời quê Nam Định vào TP.HCM để làm công nhân may. Run rủi thế nào, chị gặp và có tình cảm với một chàng trai Sài Gòn hiền lành, dễ mến – chính là con trai cả của bác sĩ Hợi.
Ngày con trai đưa bạn gái về ra mắt, vợ chồng bà Hợi đều rất ưng khi thấy cô gái xinh đẹp, dáng người nhỏ nhắn, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn. Bà không biết rằng, lúc đó chị Huệ vừa sợ vừa run. “Gia đình anh ấy ai cũng có trình độ cao, bố bộ đội, mẹ bác sĩ, các anh em đều vào đại học, tôi thì chỉ học đến lớp 9”, chị Huệ nhớ lại.
Biết nỗi e ngại của bạn gái, con trai bác sĩ Hợi động viên: “Nếu em cứ sợ như vậy thì làm sao bước chân vào nhà anh được. Em yên tâm, cưới xong anh và bố mẹ sẽ nuôi em học tiếp”. Hồi đó, đang là bác sĩ, nghe con dâu tương lai nói muốn được học ngành y, bà Hợi vui lắm. Được bạn trai và gia đình anh cổ vũ, chị Huệ mới tự tin hơn. Đám cưới diễn ra không lâu sau đó.
Chị Huệ về làm dâu chưa bao lâu, thì bố chồng bị tai biến, phải nằm một chỗ. Mẹ chồng bận rộn với công việc khám chữa bệnh, chồng và các em kín lịch đi học, đi làm, mọi việc trong nhà một tay chị quán xuyến.
“Cưới về, con dâu tôi đi học bổ túc Trung học phổ thông vào ban đêm. Ban ngày, con dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm, giúp tôi chăm sóc ông nhà tai biến. Điều tôi phục nhất ở con dâu lúc đó là Huệ còn trẻ mà chăm sóc bố rất chu đáo, không nề hà việc gì, từ tắm rửa, cơm nước đến giấc ngủ. Công việc này rất vất vả nhưng con chưa một lời kêu than”, bác sĩ Hợi cảm động nhớ lại.
Học xong cấp ba, với sự động viên và hỗ trợ của mẹ chồng, chị Huệ thi đậu trường Trung cấp quân y II (TP.HCM). Năm học cuối của bậc học này, chị mang thai con gái đầu lòng. Vất vả vừa học lý thuyết vừa đi thực hành ở bệnh viện, chị bị ra huyết ở những tháng đầu thai kỳ. May mắn, chị có mẹ chồng là bác sĩ nên có cách điều trị, chăm sóc đúng hướng, chỉ một tháng là yên ổn.
Điều làm bà Hợi nhớ mãi là khi chỉ còn hai tuần nữa đến lịch thi tốt nghiệp trung cấp thì con dâu nhập viện sinh con. Lúc đó, chị Huệ vừa mang thai vừa phải đi thực tập nên không có nhiều thời gian để ôn bài. May mắn, việc sinh con của chị diễn ra thuận lợi.
Ngoài làm công việc khám chữa bệnh, bác sĩ Đỗ Thị Hợi thường tham gia các chương trình từ thiện. Ảnh: NVCC
Con dâu và cháu nội xuất viện về nhà, bác sĩ Hợi lên kế hoạch giúp con ôn thi tốt nghiệp. Vốn là một bác sĩ, từng trải qua các kỳ thi của ngành y, bà biết cách ôn bài như thế nào sẽ hiểu và nhớ được lâu. Tuy nhiên bác sĩ Hợi cho rằng, với người phụ nữ mới sinh, việc đọc chữ, hay phải nghe quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì thế, để con dâu học bài và nắm chắc được kiến thức y khoa, bà chọn cách đọc tài liệu cho con nghe.
“Mỗi ngày, tranh thủ buổi tối, thời gian rảnh, lúc cháu nội đi ngủ là tôi cầm tài liệu đọc bài cho con dâu nghe. Đọc đến đoạn nào cần lưu ý tôi nhấn mạnh, đưa các kiến thức thực tiễn mà mình đang làm việc để giải thích cho con hiểu. Sau khi đọc xong một bài, một mục tôi sẽ đợi con dâu trả bài đến khi nhớ hết kiến thức mới sang bài khác”, bác sĩ Hợi nhớ lại.
Nỗ lực không ngừng, cùng sự khích lệ và kiên trì của mẹ chồng, chị Huệ đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp thành công. Sau đó, chị học liên thông lên cao đẳng, đại học - đều nhờ mẹ chồng hướng nghiệp, chỉ dạy. “Cuối tháng 10 này, con dâu tôi sẽ thi tốt nghiệp bậc đại học ngành điều dưỡng, Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Con đường học vấn của con tuy dài, vất vả nhưng rất ý nghĩa”, bác sĩ Hợi nói bằng giọng hạnh phúc.
Bác sĩ Đỗ Thị Hợi chụp hình kỷ niệm cùng con dâu khi hai mẹ con đi du lịch với nhau. Ảnh: NVCC.
Bác sĩ Hợi cho biết, những năm đầu của cuộc sống hôn nhân, vợ chồng Huệ liên tục có mâu thuẫn. Nguyên nhân chỉ vì kinh tế còn khó khăn và con trai bà có tính ghen vợ. “Bình thường, nó rất hiền, yêu thương, tin tưởng vợ. Nhưng mỗi lần đi nhậu với nhóm bạn, nghe người ta nói gì liên quan đến vợ là nó về kiếm chuyện. Trong lúc say, nghe vợ nói: ‘anh không tin em hay sao’ thì nó nổi nóng, vậy là vợ chồng cãi nhau, tôi phải nhanh chóng lên phòng can con mình ra”, bác sĩ Hợi kể.
Nhìn về phía mẹ chồng, nước mắt chị Huệ rưng rưng: “Có lần vợ chồng tôi mâu thuẫn, vì quá nóng, anh đã tát tôi một cái. Lúc đó, mẹ đến ôm tôi và nói ‘con đừng có buồn’. Sau đó, bà mắng con trai: ‘Con phải thương vợ mình chớ, nó thân cô thế cô mà”. Như hiểu ra điều gì, từ đó chồng chị Huệ thay đổi tính nóng, càng yêu thương vợ hơn.
Khi được hỏi, hơn 24 năm sống chung với nhau có khi nào chị Huệ làm mẹ buồn và phật lòng, bà Hợi ôn tồn: “Nếu nói không cũng không đúng”. Bà cho biết, điều bà muốn con dâu cải thiện là cách chăm sóc, nuôi dạy con. Theo bà, người mẹ nên nghiêm khắc hơn, nhưng vì phải dành phần lớn thời gian cho công việc nên chị Huệ thường chểnh mảng và dễ dãi với con. “Nếu mình không nghiêm khắc với con ngay từ đầu thì sau này khó dạy bảo lắm”, bà chia sẻ.
Dù vậy, bà cũng hiểu rằng một phần do công việc của chị Huệ vất vả. Trong tình hình dịch chồng dịch như hiện nay, công việc ở nơi tuyến đầu của ngành y tế lại càng chồng chất hơn. Để dung hòa, bà giúp con dâu công việc nội trợ, chăm sóc các cháu để chị yên tâm công tác.
Có mẹ chồng là bác sĩ, chị Huệ đôi khi cũng cảm thấy áp lực khi chăm con, nhất là lúc con bệnh. “Mình là y sĩ, trình độ chuyên môn không bằng mẹ chồng là bác sĩ, đâu có dám cãi, vì thế đôi khi chăm hay chữa con bệnh chỉ biết âm thầm, giấu giếm, sợ mẹ chồng không đồng ý”.
Nghe chia sẻ này của con dâu, bà Hợi giải thích, cùng ngành y, nhưng quan điểm điều trị mỗi người mỗi khác. Có người thích tấn công nhiều sẽ cho thuốc tấn công nhiều, nhưng có người thích cho quân sĩ tấn công trước, tướng mới ra sau. “Làm bác sĩ, ai cũng muốn điều trị cho bệnh nhân nhanh khỏi bệnh nhưng để làm được lại rất khó”, bà nói.
Dù 24 năm sống chung không tránh khỏi những lúc chưa hiểu ý, phiền lòng về nhau, bác sĩ Hợi cho rằng, điều bà vui nhất là đến nay mẹ chồng nàng dâu chưa khi nào to tiếng hay giận dỗi, mà lúc nào cũng chăm sóc, dành tình yêu, sự tin tưởng cho nhau. Để có được điều đó, quan trọng hơn hết là mẹ luôn tôn trọng con, con kính trọng mẹ. Khi có chuyện gì khúc mắc, hai mẹ con lắng nghe ý kiến của nhau rồi dung hòa lại, bỏ qua cái tôi và không hiếu thắng.
Với chị Huệ, hơn 24 năm đi làm dâu cũng có lúc vất vả, lúc không hài lòng chuyện này chuyện kia nhưng chị quan niệm mình là con, bố mẹ chồng cũng như bố mẹ mình. “Tôi nghĩ rằng, thời gian mình sống với mẹ chồng nhiều hơn thời gian mình sống với bố mẹ đẻ. Vậy nên, mình có thể làm được điều gì thì làm, đừng nên so đo suy nghĩ. Điều tôi mong bây giờ là mẹ chồng tôi sẽ luôn khỏe mạnh, sống lâu hơn với con cháu”, chị Huệ chia sẻ.