Cách ăn uống "ngược đời" của bác sĩ ung bướu khiến hệ tiêu hóa rất cảm ơn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/10/2022 19:00 PM (GMT+7)

Khi nói về cách ăn uống của bản thân, bác sĩ Nam cho rằng mình không có bí quyết gì cao siêu mà chỉ ăn làm sao để có đủ năng lượng làm việc, đỡ áp lực cho hệ tiêu hóa.

Ths.BS Hà Hải Nam

Ths.bs Hà Hải Nam hiện là Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, Giảng viên bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Nam tốt nghiệp...

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Bữa tối ăn rất ít để đỡ gây áp lực cho hệ tiêu hóa

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương) được nhiều người biết đến và tin tưởng không chỉ qua những ca phẫu thuật về ung thư tiêu hóa, mà còn từ những bài viết tư vấn rất gần gũi, dễ hiểu để phòng bệnh ung thư.

Theo bác sĩ Hải Nam, việc ăn uống có vai trò quan trọng trong phòng bệnh ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng. Vị bác sĩ này cũng thừa nhận, câu nói mọi người truyền tai nhau rằng “bệnh từ miệng mà vào” là hoàn toàn chính xác. Vậy, với vai trò là một bác sĩ chuyên về ung thư tiêu hóa, hàng ngày bác sĩ Nam ăn uống thế nào để vừa có sức khỏe, lại vừa tốt cho hệ tiêu hóa?

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nam nói ngắn gọn: “Không bỏ bữa và đừng ăn quá no”. Hàng ngày bác sĩ Nam vẫn ăn đủ 3 bữa, trong đó bữa sáng và bữa trưa sẽ ăn đầy đủ các nhóm chất cơ bản (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) để lấy năng lượng làm việc. Riêng bữa tối anh ăn rất ít vì biết rằng nếu ăn nhiều thì hệ tiêu hóa sẽ phải “cật lực” làm việc, trong khi đó là thời gian nên được nghỉ ngơi.

“Tôi phải nhấn mạnh rằng bữa tối tôi ăn ít chứ không phải không ăn, vì khi ngủ cơ thế vẫn tiêu hao năng lượng nhưng sẽ ít hơn khi đang làm việc, vì thế chỉ cần ăn ít là đủ”, bác sĩ Nam nói.

Bác sĩ Nam cho biết, rất nhiều bệnh lý đường tiêu hóa có liên quan mật thiết tới việc ăn uống thiếu khoa học.

Bác sĩ Nam cho biết, rất nhiều bệnh lý đường tiêu hóa có liên quan mật thiết tới việc ăn uống thiếu khoa học. 

Đừng bao giờ nghĩ món ngon là phải ăn no, ăn lấy được

Ngoài bữa tối, trong bữa sáng và bữa trưa, bác sĩ Nam không bao giờ ăn no, dù món đó con ngon đến mấy, kể cả khi ăn ở nhà hay đi ăn tiệc. Điều này nghe có vẻ rất “ngược đời”, vì đa số khi có món ngon, mọi người sẽ ăn cho “bõ thèm”.

“Tôi không bao giờ ăn no, chứ đừng nói là quá no. Tôi chỉ ăn đến khi lấp đầy 70% dạ dày là dừng. Đây là con số đẹp, rất tốt cho dạ dày. Tuy nhiên, đa số mọi người hiện nay đang ăn cố, ăn lấy được. Điều này gây khó khăn cho chức năng co bóp của dạ dày, có thể dẫn tới trào ngược thức ăn. Ăn chỉ 70% sẽ giúp dạ dày còn chỗ trống, nhào lộn thức ăn tốt hơn, dễ tiêu hóa hơn”, bác sĩ Nam lý giải.

Bác sĩ Nam khuyên mọi người đừng ăn quá no và hãy nấu vừa đủ để không phải ăn lại đồ ăn thừa.

Bác sĩ Nam khuyên mọi người đừng ăn quá no và hãy nấu vừa đủ để không phải ăn lại đồ ăn thừa. 

Nấu ít hơn nhu cầu để ăn cho hết

Trong sinh hoạt ẩm thực, gia đình bác sĩ Nam dường như không bao giờ có đồ ăn thừa hay ăn lại đồ ăn từ ngày hôm trước (trừ một số món như cá kho, thịt đông). Bác sĩ khuyên mọi người nên ăn bao nhiêu nấu bấy nhiêu, thậm chí nấu ít hơn nhu cầu thực tế một chút để ăn cho hết, không bỏ thừa. Nếu có thời gian, nên nấu nhiều loại thực phẩm, mỗi thực phẩm chỉ một ít sẽ tốt hơn là nấu một loại nhưng nhiều vì rất dễ thừa.

“Ví dụ sức ăn của gia đình tôi phải nấu 2 vò gạo, nhưng tôi chỉ nấu 1,5 vò hoặc hơn 1 vò một xíu. Một số món như đồ kho (cá kho), thịt đông, tôi có thể nấu dư và bảo quản tủ lạnh nhưng không để quá 3 ngày. Gia đình tôi thường nấu nhiều món, nhưng mỗi món chỉ một ít, thậm chí mỗi người gắp 1 đũa là hết. Như vậy sẽ xử lý được 4 vấn đề, là không ăn quá no, đa dạng thực phẩm, không có thức ăn thừa, sức khỏe dẻo dai”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Hạn chế tối đa việc chế biến thực phẩm

Riêng về vấn đề chế biến thực phẩm, bác sĩ Hà Hải Nam khuyên mọi người hạn chế dùng đồ chiên, xào, rán. Thậm chí, ngay cả việc sơ chế thực phẩm cũng làm đơn giản nhất để giữ lại dinh dưỡng, hương vị tự nhiên của thực phẩm.

“Gia đình tôi đa phần là dùng món luộc. Tất nhiên, với món luộc thì sẽ không vuốt ve được vị giác của mình như món xào, chiên rán nhưng sẽ giữ lại được chất. Còn đồ chiến rán, dù vị giác ngon nhưng quá trình chế biến gây mất chất, biến chất và đưa những thứ đã ô xy hóa, không tốt vào cơ thể”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Cần hạn chế, thậm chí loại bỏ những đồ chiên rán ở nhiệt độ cao trong khẩu phần ăn. Ảnh minh họa.

Cần hạn chế, thậm chí loại bỏ những đồ chiên rán ở nhiệt độ cao trong khẩu phần ăn. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, ăn đồ luộc nếu trường diễn một món sẽ gây nhàm chán. bởi vậy, cần đa dạng thực phẩm, ví dụ hôm nay ăn bắp cải, ngày mai ăn bí đỏ, ngày kia ăn rau muống...

Ngoài ra, theo bác sĩ, với thực phẩm, kể cả từ nguồn động vật hay thực vật, ăn sống là rất tốt, từ cá, thịt đỏ, trứng tươi hay các loại rau cải, rau mầm... với điều kiện tiên quyết là nguồn thực phẩm đầu vào phải đảm bảo sạch 100%.

Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ Nam cho rằng để bảo vệ sức khỏe nói chung, hệ tiêu hóa nói riêng, cần kết hợp thêm nhiều yếu tố khác như không uống rượu bia, không hút thuốc, ngủ nghỉ đúng giờ, tập luyện thể thao điều độ, khám sức khỏe định kỳ…

Tiến sĩ dinh dưỡng du học Nhật về chỉ thích ăn kiểu Việt và quy tắc ăn uống 80-20 để không bao giờ thừa cân
Với những nguyên tắc ăn uống rất cơ bản, ai cũng có thể thực hiện được, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho rằng chỉ cần thực hiện đúng thì không phải lo...

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư