Nghĩ bị đầy bụng, khó tiêu, ợ chua là do rối loạn tiêu hóa nên không đi kiểm tra, đến khi sụt cân liên tục cô giáo trẻ mới đến viện thì bệnh đã nặng phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
Ung thư dạ dày là căn bệnh nhiều người mắc phải ở Việt Nam, đặc biệt hiện ngày càng có nhiều người trẻ mắc phải căn bệnh này. PGS Đoàn Hữu Nghị (Phó Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội) cho biết, trước đây bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi (trên 40 tuổi), nhưng hiện nay có những trường hợp mắc bệnh khi còn rất trẻ, thậm chí có trường hợp 20 tuổi đã mắc ung thư dạ dày.
Qua thăm khám và điều trị, PGS Nghị cho rằng đa số những người mắc ung thư dạ dày khi phát hiện đều đã ở giai đoạn tiến triển, vì thế việc điều trị gặp nhiều khó khăn. “Đã có những trường hợp phải cắt ¾ hoặc cắt bỏ toàn bộ dạ dày vì phát hiện muộn. Có bệnh nhân khi phát hiện dạ dày có hàng chục hạch lớn nhỏ, đã di căn sang những bộ phận khác”, PGS Nghị chia sẻ.
PGS Đoàn Hữu Nghị trực tiếp phẫu thuật cho cô giáo trẻ bị ung thư dạ dày.
PGS Nghị lấy ví dụ trực tiếp trường hợp một cô giáo tên N.T.H. (ở Sóc Sơn, Hà Nội) bị ung thư và phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày vào ngày 20/11/2018. Ca phẫu thuật này do chính PGS Nghị thực hiện, sau khi phẫu thuật xong, toàn ê kíp cũng “choáng” khi dạ dày cô giáo trẻ nham nhở như những luống cày.
Theo chia sẻ của chị H., khoảng 1 năm gần đây, chị cảm thấy đau tức thượng vị, đầy bụng khó tiêu, thi thoảng ợ hơi, ợ chua... Tuy nhiên, việc đại tiện vẫn bình thường và không cảm thấy đau tức ngực. “Tôi cũng nghĩ dạ dày mình có vấn đề, nhưng chỉ là đau bình thường như bao trường hợp khác vì tôi hay thức khuya. Không ngờ tình trạng lại nặng như vậy”, chị H. chia sẻ với bác sĩ.
Trước thời điểm đi khám khoảng 1 tháng, chị thấy tình trạng đau bụng tăng và giảm 5kg trong vòng nửa năm. Thấy vậy chị đã đến bệnh viện thăm khám, tại đây bác sĩ không phát hiện hạch ngoại vi, không có tình trạng xuất huyết dưới da, bụng mềm, không chướng...
Sau đó, các bác sĩ tiến hành nội soi, sinh thiết dạ dày phát hiện HP (vi khuẩn HP) dương tính và nghi ngờ bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, kết quả cả 3 lần nội soi, sinh thiết đều không rõ ràng. Chỉ đến khi các bác sĩ tiến hành nhuộm hóa mô miễn dịch thì mới phát hiện bệnh nhân H. bị ung thư dạ dày thể tế bào nhẫn.
Hình ảnh dạ dày cô giáo trẻ bị tổn thương như những luống cày vì ung thư sau khi được cắt.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện E Trung ương để tiến hành phẫu thuật. “Qua hình ảnh cho thấy dạ dày bệnh nhân bị tổn thương rất nặng. Thành toàn bộ dạ dày nham nhở như những luống cày và phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Sau đó các bác sĩ kéo thực quản xuống và lấy ruột non thay dạ dày.
Đến nay, sau 3 tháng cô giáo này vẫn đang điều trị hóa chất. Sức khỏe có tiến triển tuy nhiên sẽ phải điều trị trong một thời gian dài nữa”, PGS Nghị chia sẻ.
Dù tỷ lệ người trẻ mắc ung thư dạ dày đang gia tăng, nhưng PGS Nghị cũng cho rằng mọi người không nên quá lo lắng, bởi nếu phát hiệm sớm và tuân thủ phác đồ điều trị thì người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường.
“Tôi từng phẫu thuật cho một nam bệnh nhân 20 tuổi bị ung thư phải cắt 2/3 dạ dày. Sau phẫu thuật bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị đến nay thanh niên này vẫn khỏe mạnh, lấy vợ và sinh được 3 con”, PGS Nghị nói.
Từ những trường hợp trên, vị chuyên gia này cho rằng mọi người không nên chủ quan với các triệu chứng của bệnh ví dụ như tình trạng đau thượng vị, khó tiêu, ợ chua...
Khi có các dấu hiệu này cần phải đi khám để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3 của tuyến bài Ung thư dạ dày vào lúc 9h sáng ngày 19/3 trên chuyên mục Sức khỏe.
Dấu hiệu ung thư dạ dày không nên chủ quan: Đầy bụng, ợ chua, khó tiêu: Đây được xem là một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày. Tuy nhiên khi có các biểu hiện này nhiều người lại nghĩ rằng bản thân đang bị rối loạn tiêu hóa, đến khi có các triệu chứng nặng hơn mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đau thượng vị: Các chuyên gia cho biết, đau thượng vị không đồng nghĩa với việc bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu này người bệnh cần phải đi thăm khám sớm để loại trừ chứ không nên chủ quan. Buồn nôn hoặc nôn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng: Nhiều người khi có biểu hiện này thường tỏ ra chủ quan, chỉ đến khi nôn ra máu mới đi thăm khám, nhưng đến lúc đó thì có thể bệnh đã ở giai đoạn nặng. Sụt cân, phân đen: Giảm cân bất thường trong thời gian ngắn, đi đại tiện có phân đen thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Đa số khi bệnh nhân có biểu hiện này bệnh đã ở giai đoạn phát triển. |