Khi ăn uống thấy có nhiều biểu hiện bất thường, nhất là tình trạng nuốt nghẹn, nuốt vướng, chị Tâm lo sợ mình mắc ung thư.
Chị Ánh Tâm (42 tuổi, ở Phú Thọ) có biểu hiện nuốt nghẹn khi ăn uống suốt 5 năm nay, tình trạng này ngày càng tăng dần khiến người phụ nữ lo lắng. “Tôi tìm hiểu được biết, nuốt nghẹn là triệu chứng của ung thư thực quản nên rất sợ”, chị Tâm chia sẻ.
Lo lắng bị ung thư, chị Tâm đi khám nhiều nơi nhưng chỉ nhận được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày. Điều này khiến chị càng lo hơn, từ đó dẫn tới mất ngủ, cân nặng sụt 10kg.
Sau mỗi lần đi khám, chị Tâm đều uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng không đỡ. Chán nản, người phụ nữ này bỏ tây y sang uống thuốc nam, thuốc bắc. Thế nhưng, tình trạng vẫn không thuyên giảm, dù chị đã đổi nhiều bài thuốc, loại thuốc.
Tình trạng nuốt nghẹn kéo dài suốt 5 năm làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Ảnh minh họa.
“Năm nào tôi cũng đi khám vài lần, mỗi lần khám đều uống thuốc đầy đủ nhưng không đỡ. Ban đầu, tôi chỉ ăn mới bị khó nuốt, giờ đây uống sữa cũng bị mắc nghẹn”, chị Tâm chia sẻ. Khi cân nặng tụt đến 10kg, chị quyết định tới Hà Nội thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu toàn thân với hi vọng phát hiện ra bất thường, nhất là tế bào ung thư.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Lê Tiến Dương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân đến khám với tâm trạng rất lo lắng, tình trạng sức khỏe suy kiệt, tâm lý cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Bệnh nhân cho biết, tình trạng nuốt nghẹn ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi đi ăn cỗ chị chỉ ngồi nhìn, vì ăn một miếng vào là nghẹn. Hay uống cốc nước cũng phải uống từ từ nếu không sẽ nghẹn và nôn ra”, bác sĩ Dương kể lại.
Kết quả thăm khám phát hiện nữ bệnh nhân bị co thắt tâm vị chứ không phải ung thư. Ảnh: BSCC.
Kết quả khám lâm sàng và nội soi cho thấy người bệnh bị co thắt tâm vị. Các bác sĩ đã can thiệp nong tâm vị bằng nội soi. Một ngày sau khi can thiệp, chị Tâm được xuất viện trong tình trạng ăn uống bình thường, không đau đớn. “Vài tháng sau bệnh nhân đến khám lại với tâm trạng vui vẻ, đã tăng gần 10kg và không còn nuốt nghẹn”, bác sĩ Dương nói.
Theo bác sĩ, co thắt tâm vị xảy ra ở bất kể lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất trong khoảng từ 30 đến 60 tuổi. Khi bị co thắt tâm vị, bệnh nhân thường có những dấu hiệu đặc trưng như:
- Khó nuốt cả đồ ăn đặc và đồ lỏng.
- Trào ngược vào ban đêm dẫn tới viêm phổi.
- Sụt cân từ các mức độ nhẹ đến mức trung bình và nặng.
- Ảnh hưởng trầm trọng tới tinh thần, sinh hoạt thường ngày.
“Co thắt tâm vị là bệnh lý tiêu hóa hiếm gặp. Bệnh dễ nhầm với các bệnh khác, đặc biệt là trào ngược dạ dày thực quản hoặc ung thư thực quản. Do vậy, khi bệnh nhân có triệu chứng nuốt nghẹn cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác”, bác sĩ Dương khuyên.
Theo bác sĩ Dương, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng, tránh ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Với người bị co thắt tâm vị, hiện có 2 phương pháp điều trị chính, đem lại hiệu quả tốt, giúp người bệnh ăn uống được trở lại bình thường, đó là nong tâm vị bằng bóng và phẫu thuật cắt cơ thực quản dưới.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi