Khi con dậy thì và có kinh nguyệt lần đầu thì mẹ cần làm gì để giúp con khỏi bỡ ngỡ, có thể tự giữ vệ sinh và xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra khi quay lại trường? Thông tin này sẽ được thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hiền - Chuyên khoa Sản phụ khoa (Bệnh viện Medlatec) giải đáp.
Con tôi 11 tuổi, đang bước vào giai đoạn dậy thì và vừa có kinh nguyệt. Do trùng vào dịp cháu bắt đầu tập trung cho năm học mới, nên tôi rất lo lắng vẫn đề vệ sinh trong những ngày “đèn đỏ” của cháu, dù tôi đã hướng dẫn cháu rất kỹ cách vệ sinh trong những ngày bình thường tại nhà và con làm rất tốt.
Vậy xin bác sĩ tư vấn, cách vệ sinh âm đạo khi bình thường và khi trong ngày “đèn đỏ” có gì khác nhau, nhất là những cháu đang tuổi dậy thì, mới có kinh nguyệt?
Chào bạn,
Vấn đề bạn trăn trở cũng là thắc mắc rất nhiều mẹ có con trong độ tuổi dậy thì quan tâm. Rõ ràng việc vệ sinh "vùng kín" trong ngày thường và ngày kinh nguyệt có sự khác nhau.
Vệ sinh trong ngày thường cần thực hiện một số điều sau:
- Đầu tiên cần cho trẻ tìm hiểu kiến thức từ sách báo hoặc bác sĩ để trẻ biết và thay đổi thói quen có thể ảnh hưởng không tốt tới âm đạo. Điều này rất quan trọng, chiếm tới 50% trong việc phòng bệnh, nhất là phòng tái viêm nhiễm âm đạo.
- Đi vệ sinh xong chỉ cần thấm giấy khô, không rửa nước nhiều, đặc biệt là việc thụt rửa vì nó sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo.
- Chỉ cần rửa nước máy, nước sạch là được không cần thiết phải lần nào rửa cũng dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
- Lựa chọn quần lót thấm hút tốt, khô thoáng.
- Dọn dẹp lông "vùng kín" sao cho phù hợp, không nên cạo hết lông, nhưng cũng không nên để quá rậm rạp gây ẩm ướt.
Trẻ dậy thì có kinh nguyệt về cơ bản vẫn vệ sinh như người lớn, nhưng có một vài điểm cần lưu ý. Ảnh minh họa.
Vệ sinh âm đạo trong ngày đèn đỏ cần lưu ý một số điều sau:
Về cơ bản trẻ mới có kinh nguyệt hay phụ nữ trưởng thành vệ sinh "vùng kín" trong ngày “đèn đỏ” không có sự khác biệt quá nhiều. Trong những ngày có kinh, "vùng kín" ra máu và lượng máu sẽ tồn tại ở mức nhất định phía trong chứ không ra hết được, trong khi máu là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Ngoài ra, trong những ngày này, mạch máu bị cương rất khó chịu, cơ thể chị em sẽ suy giảm miễn dịch, không khỏe như bình thường, dễ bị suy yếu. Do vậy, vi khuẩn rất dễ xâm nhập, tấn công và gây viêm nhiễm, nên việc vệ sinh rất quan trọng.
Trong ngày “đèn đỏ”, chị em không nên kiêng khem mà cần tắm rửa, vệ sinh thường xuyên hơn ngày thường. Khi vệ sinh cũng chỉ cần dùng nước sạch, nước máy không cần thiết phải dùng nước đun sôi hay dung dịch vệ sinh quá nhiều.
Dù lượng máu kinh ra ít vẫn phải thay băng vệ sinh 4-6 tiếng/lần. Trường hợp máu kinh ra nhiều, tràn băng thì cần thay sớm hơn. Kể cả với trường hợp dùng tampon cũng cần thay với khoảng thời gian như vậy, không nên để quá lâu sẽ gây bốc mùi khó chịu. Ngoài ra, cần mặc đồ lót thông thoáng, không ngâm mình ở bồn hay bơi trong ngày kinh nguyệt.
Với trẻ ở tuổi dậy thì, mới có kinh nguyệt phụ huynh cần tư vấn những điều trên cho con, đồng thường hướng dẫn con cách thay băng để con có thể tự thay khi ở trường.
Ngoài ra, luôn để sẵn băng vệ sinh trong cặp sách của con, không đợi đến sát ngày mới chuẩn bị bởi chu kỳ của trẻ chưa đều, có thể đến sớm hoặc muộn hơn, thậm chí tháng có kinh, tháng không có…
Với trẻ quá nhỏ tuổi (dưới 10 tuổi) đã có kinh nguyệt, mẹ nên chia sẻ với giáo viên phụ trách để cô giáo giúp con xử lý tình huống xấu có thể xảy ra nếu có. Đồng thời, phụ huynh nên chuẩn bị kiến thức để giáo dục, chia sẻ với con về vấn đề này giúp trẻ không bị bỡ ngỡ trong lần đầu "đèn đỏ".
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |