Thấy con gái bị ra máu "vùng kín", người mẹ vô cùng lo lắng và đưa con đến viện khám, tại đây khi nghe bác sĩ nói tất cả mọi người đều vô cùng bất ngờ về nguyên nhân.
Bất ngờ khi con thông báo bị ra máu vùng kín
Đó là trường hợp của cháu Bùi Thị T. H. (8 tuổi, ở Hà Nội) vừa được mẹ là chị Lê Thị Thu T. đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám sau khi thấy con bị ra máu vùng kín bất thường.
Theo chia sẻ của chị T., từ khi sinh ra con gái chị phát triển hoàn toàn bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, chị còn không bắt con phải học thêm trong những ngày hè, để con có thời gian vui chơi, hoạt động thể chất...
“Dịp nghỉ hè vào những ngày cuối tuần tôi luôn thu xếp để con về quê ở ngoại thành chơi và khám phá thiên nhiên. Ngày 19/6 vừa qua khi con đang chơi cùng các bạn bỗng chạy vào nói rằng bị ướt ở đũng quần. Thấy vậy tôi lo lắng kiếm tra thì phát hiện có máu.
Bé H. đang được các bác sĩ đo chiều cao, cân nặng trước khi vào khám.
Ban đầu tôi nghĩ chắc con bị ngã, thậm chí trong đầu tôi còn lo con bị xâm hại. Nhưng sau nghe con kể lại và kiểm tra kỹ lưỡng, với kinh nghiệm của bản thân tôi nghĩ con gái mình đã có kinh nguyệt. Ngay sau đó tôi đưa con ra nội thành và đưa con đi”, chị T. chia sẻ.
Có mặt tại phòng khám Nội tiết chuyển hóa di truyền (BV Nhi Trung ương) vào sáng ngày 20/6, chị T. vô cùng “choáng ngợp” khi có chục đứa trẻ cũng có những biểu hiện giống con mình đến khám vì nghi bị dậy thì sớm.
“Tôi đã vào phòng khám đo chiều cao, cân nặng các bác sĩ cũng đã khám và nghi con đang đến tuổi dậy thì. Tuy nhiên, các bác sĩ nói muốn biết chính xác thì phải chụp tuổi xương cổ tay để xác định”, chị T. vừa nói vừa dẫn con đến phòng chụp chiếu.
Phòng khám nội tiết, chuyển hóa, di truyền rất đông người đưa trẻ đến khám
Trẻ 8 tuổi có dấu hiệu dậy thì không còn là sớm
Trả lời về vấn đề này, TS Bùi Phương Thảo – Phó trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc các ông bố bà mẹ lo lắng về việc con dậy thì sớm là hoàn toàn chính đáng. Theo hiện này trẻ (cả nam và nữ) tuổi dậy thì sớm bắt đầu sớm hơn so với trước kia (10-20 năm trước) và một xu thế tất yếu vì xã hội phát triển, chất lượng sống đang ngày càng nâng cao.
“Hiện nay đối với nữ, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn nam là 9 tuổi. Như vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi đó sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì thì sẽ được coi là muộn”, TS Thảo cho hay.
Theo đó, dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý… còn nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu…
Một bé gái và mẹ đang được bác sĩ tư vấn về vấn đề dạy thì sớm.
Ngoài ra, vấn đề mà các bậc phụ huynh thường hay lo lắng nhất, đó chính là sự phát triển “vượt trội” ở tuyến vú đối với các bé gái nên hốt hoảng cho đi khám. Đối với trường hợp này, TS Thảo cho rằng: “Kể cả đối với trẻ có tuyến vú phát triển trước 8 tuổi nhưng khi đi khám tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không được coi là dậy thì sớm”.
Về nguyên nhân khiến tuổi dậy thì của trẻ đến sớm hơn trước đây, các chuyên gia cho rằng ngoài nguyên nhân tổn thương thần kinh trung ương gây dậy thì sớm trung ương, còn có các yếu tố khác như: môi trường, dinh dưỡng, lối sống… sẽ khiến trẻ dậy thì sớm hơn.
“Ví dụ, trẻ thừa cân, béo phì sẽ thúc đẩy dậy thì sớm hơn. Hay những trẻ tiếp cận với thông tin, internet, mạng xã hội từ khi còn nhỏ cũng là nguyên nhân thúc đẩy…”, TS Thảo cảnh báo.
Về điều trị, trong trường hợp trẻ dậy thì trước 6 tuổi thì các bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp bằng cách tiêm hóc môn. Còn đối với các trường hợp từ 6-8 tuổi với trẻ nữ thì tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có những chỉ định khác nhau để điều trị.