Theo bác sĩ Khanh, các bé gái dậy thì sớm chưa biết chăm sóc bản thân trong những ngày "đèn đỏ", dễ bị lạm dụng tình dục và sẽ mặc cảm về vóc dáng so với bạn bè cùng tuổi.
Con dậy thì, mẹ ngại không dám thổ lộ cùng ai
Những bé gái dậy thì sớm được tính từ khi phát triển các cơ quan sinh dục trước 8 tuổi và có kinh nguyệt trước 10 tuổi. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều bé “trở thành thiếu nữ” khi chỉ dưới 2 tuổi. Cụ thể là trường hợp bé gái con chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ở TP.HCM) dậy thì khi chỉ mới 1 tuổi. Gần đây, người mẹ đưa con đi khám trong tâm trạng e ngại, hoang mang, lo lắng vì con mình còn quá nhỏ.
Chị Minh Nguyệt kể, con gái bắt đầu có kinh nguyệt khi vừa tròn 1 tuổi. Ban đầu, thấy vùng kín của con ra máu vài ngày là hết, người mẹ rất bất ngờ và lo sợ. Tuy nhiên, chị không dám đưa con đi khám hay thổ lộ với ai vì ngại, sợ các điều tiếng, đành giấu kín, âm thầm theo dõi con. Một phần người mẹ nghĩ, trẻ 1-2 tuổi là độ tuổi rất dễ thương, hồn nhiên, tại sao con mình lại “thành thiếu nữ” nhanh như vậy.
Có những trẻ tuyến vú phát triển và có kinh nguyệt khi còn rất nhỏ. (Ảnh minh họa)
Cho đến khi con gái trải qua 6 chu kỳ, chị Nguyệt mới can đảm đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khám để tìm nguyên nhân. Lúc đó, ThS.BS Nguyễn Phương Khanh, hiện làm việc tại Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc trực tiếp khám cho bệnh nhi. Từ các dấu hiệu cùng kết quả xét nghiệm, bác sĩ Khanh chẩn đoán, con gái chị Nguyệt bị dậy thì sớm, không xác định được nguyên nhân. Bệnh nhi được chỉ định điều trị bằng thuốc ức chế cạnh tranh nhằm giảm sự tăng trưởng của hormone cho đến khi đến độ tuổi dậy thì sẽ ngưng.
Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục
Theo bác sĩ Khanh, dậy thì sớm đang là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ và xã hội. Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ gái thường có biểu hiện ngực to, có lông mu, lông nách trước 8 tuổi hoặc có kinh trước 10 tuổi...
Hiện nay, nguyên nhân trẻ dậy thì sớm thường được xác định do:
+ Suy giáp, tình trạng tuyến giáp không sản sinh đủ hormone.
+ Hội chứng McCune-Albright - một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến xương, da và nội tiết tố.
+ Hormone tuyến thượng thận hoặc tuyến yên tiết ra estrogen hoặc progesterone.
+ Tiếp xúc với các loại kem thoa chứa estrogen và progesterone.
+ Khối u buồng trứng, u nang buồng trứng.
+ Có khối u trong não hoặc tủy sống hoặc tổn thương ở các cơ quan của hệ thần kinh trung ương.
+ Chịu tác động của bức xạ lên não và tủy sống.
+ Có các dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh trung ương như khối u hoặc có ứ đọng dịch lỏng dư thừa.
+ Tăng sản thượng thận bẩm sinh (một nhóm các rối loạn di truyền hiếm gặp do rối loạn tổng hợp hormone vỏ thượng thận).
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái như: Tiếp xúc với hormone giới tính dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ, tiêu thụ một số chất làm tăng nguy cơ dậy thì sớm và bị béo phì.
Ths.BS nhi khoa Nguyễn Phương Khanh.
Theo bác sĩ Khanh, không ít trẻ dậy thì sớm thấy mặc cảm vì cơ thể phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa, phải chịu đựng những cơn đau bụng khi “đến tháng” giống như người trưởng thành. Bên cạnh đó, các bé còn đối mặt với rối loạn tâm lý và nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến dậy thì quá sớm như đái tháo đường, béo phì, và những bệnh liên quan đến hormone sinh dục estrogen. Ví dụ như ung thư vú có liên hệ gần gũi với sự dậy thì sớm ở các bé gái.
Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm phải đối mặt với việc sẽ giảm chiều cao lúc trưởng thành. Điều đặc biệt, các bé chưa có khả năng tự chăm sóc trong những ngày đèn đỏ và dễ bị lạm dụng tình dục khi chưa có khả năng tự bảo vệ mình. "Một số bé sẽ dễ bị rối loạn tâm lý, vì thấy mặc cảm về sự khác biệt hình thể so với các bạn cùng tuổi", bác sĩ Khanh nói. Vì vậy, vị chuyên gia khuyến cáo, khi thấy con có các dấu hiệu của dậy thì, bố mẹ cần:
+ Đưa bé đi khám để có chẩn đoán và hướng xử trí thích hợp.
+ Hãy tìm hiểu những thông tin chính thống, khám ở cơ sở uy tín có chuyên khoa nội tiết, có thể tham khảo nhiều nơi nếu những lo lắng chưa được thỏa mãn.
+ Điều quan trọng nhất là động viên con, nói cho con nghe về những thay đổi về cơ thể, về quá trình dậy thì. Bởi có một số trẻ cảm thấy rất khó khăn về những thay đổi trên cơ thể, sợ bị trêu chọc khi đi học, khi ra ngoài gặp người lạ. Vì vậy, việc cha mẹ đồng hành cùng con sẽ là điều rất cần thiết, giúp con thấy tự tin, nhanh thích ứng với dấu hiệu cơ thể mới và biết bảo vệ bản thân mình hơn.