Công dụng của rau càng cua? Ai không nên ăn rau càng cua?

Khánh Hằng - Ngày 01/01/2021 16:15 PM (GMT+7)

Không chỉ là một món ăn ngon miệng mà rau càng cua còn mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Rau càng cua là một loài thảo mộc có rễ nông, dài khoảng 15-45 cm, mọc quanh năm. Cây rau càng cua có thân nhỏ, lá hình tim, nhẵn và hơi nhớt. Khi nghiền nát, rau càng cua có mùi gần giống mù tạt. Rau càng cua thường không được trồng một cách bài bản mà thường mọc dại ở vườn, tường hoặc một số nơi gần nước. Tại Việt Nam, rau càng cua có thể dễ dàng được tìm thấy tại các vùng nông thôn hoặc miền núi.

Trong rau càng cua có tới 92% là nước, bên cạnh đó là những vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Những hợp chất điển hình có trong rau càng cua như: Kali, canxi, magiê, vitamin B, vitamin C và đặc biệt là beta carotene - tiền chất của vitamin A.

Nhờ chứa những hợp chất dinh dưỡng trên mà rau càng cua có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại rau vừa rẻ tiền, vừa dễ kiếm này sẽ khiến bạn ngạc nhiên bởi những công dụng mà nó mang lại.

Công dụng của rau càng cua? Ai không nên ăn rau càng cua? - 1

Công dụng của rau càng cua

1. Chống viêm

Từ lâu, rau càng cua đã được sử dụng như một phương thuốc dân gian để trị bệnh ho, sốt, cảm lạnh, viêm họng hay viêm khớp. Lý do là bởi trong rau càng cua có chứa chất prostaglandin tổng hợp, có tác dụng kháng viêm và giảm đau. Do đó, nếu bị viêm họng hoặc sốt, có thể giã rau càng cua lấy nước rồi uống hoặc nhai trực tiếp rau càng cua, sử dụng liên tục vài ngày sẽ có hiệu quả.

2. Kháng khuẩn

Trong rau càng cua có chứa một số chất như patulolide A và xanthone glycoside. Những chất này đều có tác dụng kháng khuẩn, ngăn ngừa viêm nhiễm. Đó cũng chính là lý do rau càng cua có tác dụng chống viêm. Không chỉ có tác dụng bên trong, rau càng cua cũng có thể phát huy tác dụng từ bên ngoài. Nếu bị sưng mủ, viêm nhiễm vết thương, có thể giã nát rau càng cua rồi đắp vào chỗ viêm để giảm đau, giảm viêm nhanh chóng.

3. Chống oxy hóa

Oxy hóa là quá trình các electron được chuyển sang chất oxy hóa hình thành nên gốc tự do. Sự gia tăng các gốc tự do trong cơ thể sinh ra các phản ứng dây chuyền phá hủy tế bào, từ đó gây ra các bệnh mãn tính và lão hóa, vô cùng nguy hiểm tới cơ thể.

Nhờ những chất như kali, magiê, vitamin C và đặc biệt là beta carotene mà rau càng cua có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ. Nó giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào, ngăn ngừa và tiêu hủy các gốc tự do, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch.

Công dụng của rau càng cua? Ai không nên ăn rau càng cua? - 2

4. Ngăn ngừa ung thư và các bệnh tim mạch

Một số nghiên cứu khoa học cho thấy chiết xuất rau càng cua có tác dụng ngăn chặn và phá hủy một số tế bào ung thư nhất định. Điều này cho thấy tiềm năng của rau càng cua trong việc chống lại bệnh ung thư.

Ngoài ra, nhờ tác dụng chống oxy hóa mà rau càng cua cũng phát huy tác dụng trong việc ngăn ngừa ung thư, phòng chống các bệnh tim mạch, bệnh mãn tính và đột quỵ.

5. Giảm nồng độ axit uric trong máu

Axit uric là một chất thừa, là sản phẩm của quá trình chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, nó có thể gây ra một số tình trạng như viêm khớp, để lâu ngày có thể tiến triển thành bệnh gút, sỏi thận, suy thận. Thông thường, lượng axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/l) nhưng nó có thể tăng lên nếu cơ thể không có chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh.

Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy rau càng cua có thể kiềm hãm nồng độ axit uric trong máu, giúp nó luôn ở mức ổn định để tránh gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho cơ thể.

6. Giải nhiệt, làm mát cơ thể

Do 92% thành phần của rau càng cua là nước nên loại rau này có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể rất tốt. Bạn có thể giã nát rau càng cua lấy nước uống hoặc nấu canh rau càng cua đều đem lại những công cụng tuyệt vời cho cơ thể.

7. Điều trị chứng rối loạn cảm xúc

Trong một thử nghiệm ở Bangladesh, các nhà khoa học đã cho chuột dùng thuốc Nikethamide để kích thích sự phấn khích. Sau đó, người ta lại cho chuột dùng chiết xuất từ rau càng cua. Kết quả từ cuộc thử nghiệm này cho thấy loại chiết xuất này chứa một số hợp chất có tác dụng tốt trong điều trị rối loạn cảm xúc quá mức. Tuy nhiên hiện nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về tác dụng này của rau càng cua trên cơ thể người.

Công dụng của rau càng cua? Ai không nên ăn rau càng cua? - 3

Ai không nên ăn rau càng cua?

Rau càng cua khá lành tính và hầu như không gây ra bất cứ tác dụng phụ gì hay dị ứng với đối tượng nào. Tuy nhiên, có một số người nên lưu ý khi ăn rau càng cua:

- Trẻ em, phụ nữ đang mang thai và cho con bú: Rau càng cua có nhiều lợi ích nhưng đối với trẻ em, phụ nữ đang mang thai và cho con bú lại không nên ăn quá nhiều loại rau này. Nguyên nhân là do trong rau càng cua có chứa chất prostaglandin tổng hợp. Đây là axit béo không bão hòa, có vai trò như một chất trung gian hóa học, có thể gây trở ngại cho thai nhi và em bé.

- Người bị bệnh hen suyễn: Thành phần của rau càng cua không ảnh hưởng tới bệnh nhân hen suyễn, vấn đề nằm ở mùi vị của loại rau này. Như đã nói ở trên, rau càng cua có mùi vị gần giống mù tạt, do đó có thể gây ra những triệu chứng không mong muốn cho bệnh nhân hen suyễn. Chính vì vậy, những người đang mắc bệnh hoặc có tiền sử mắc bệnh hen suyễn nên lưu ý khi sử dụng rau càng cua.

6 công dụng của khổ qua, những người nào không nên ăn khổ qua?
Khổ qua là một loại quả rất gần gũi, được chế biến thành nhiều món ăn, nhưng liệu bạn đã biết hết công dụng của khổ qua chưa?
Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe