Bệnh nhân 812 ở Hà Nội và hai người đàn ông khác đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư diễn biến nặng hơn, tổn thương phổi của 3 bệnh nhân này lên tới 60-70%.
3 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Hà Nội tăng nặng
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị cho 45 bệnh nhân COVID-19, trong số này, có 3 bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng rất nặng. Đó là các bệnh nhân 812, 867 và 793.
Đây đều là những bệnh nhân nam, có bệnh nền tăng huyết áp, bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng nhanh. Hình ảnh chụp CT phổi cho thấy phổi các bệnh nhân đã bị tổn thương tới 60-70%.
Bệnh nhân 793 (58 tuổi), quê Sơn Động, Bắc Giang. Đây là ông nội của bệnh nhân 794 và 744 là bố của BN673 và là chồng của BN674. Ông được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cách ly từ hôm 5/8, tới 7/8 phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Trước đó ông cũng được CDC Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm nhưng âm tính.
Ảnh minh hoạ
Hôm qua, bệnh nhân 793 đã được chuyển lên Khoa Điều trị tích cực với tình trạng nặng. Trong ngày, bệnh nhân bắt đầu có cơn sốt trở lại. Hiện người đàn ông này đang được hỗ trợ thở oxy mask và điều trị bằng kháng sinh và thuốc kháng virus, chức năng phổi tổn thương khoảng 60%.
Tổn thương phổi nặng hơn bệnh nhân 793 là bệnh nhân 812 - người giao hàng của cửa hàng pizza 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội (làm cùng bệnh nhân 447). Đây là bệnh nhân nặng nhất trong số 3 ca nặng tại Bệnh viện này.
Hiện tại, chức năng phổi của người này đã tổn thương đến khoảng 70%. BS Phạm Văn Phúc, Khoa Điều trị tích cực cho biết thêm, ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng. Trong buổi hội chẩn toàn quốc cách đây 2 ngày, các bác sĩ cho hay bệnh nhân này đã diễn tiến nặng hơn, phải dùng tới máy thở không xâm nhập, có biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, suy hô hấp và được chuyển từ khoa Cấp cứu lên Khoa Điều trị tích cực ngay trong đêm, phải đặt ống thở máy.
Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân tạm thời cắt sốt nhưng tình trạng vẫn rất nặng, cần hỗ trợ máy móc ở mức cao. Các loại kháng sinh kháng virus và thuốc ức chế miễn dịch đang được sử dụng để điều trị, bệnh nhân vẫn cần hỗ trợ hô hấp bằng máy.
Bệnh nhân 867 là người đàn ông 63 tuổi là trường hợp mới được chuyển lên Khoa Điều trị tích cực hôm qua (14/8), sau 4 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân hiện có đáp ứng với biện pháp thở không xâm nhập, đã tạm thời cắt được sốt, tình trạng hô hấp cải thiện nhưng không nhiều. Chức năng phổi của bệnh nhân hiện đã bị tổn thương khoảng 60%.
Theo các bác sĩ, khả năng tấn công của virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan phủ tạng, trong đó, tổn thương phổi là cơ bản nhất, hay gặp nhất và diễn biến trầm trọng nhất với cả người già và trẻ.
Bệnh nhân dễ gặp tình trạng máu tăng đông, có thể gây các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp, nhồi máu… dễ khiến bệnh nhân tử vong. Chính vì vậy, các bác sĩ luôn theo dõi sát những trường hợp này 24/24 để có thể kịp thời cấp cứu nếu người bệnh diễn tiến xấu.
Theo các chuyên gia y tế, với những trường hợp có bệnh nền, cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm nên việc có thêm virus SARS-CoV-2 xâm nhập là một cơ hội làm tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh.
Theo Võ Thu (Gia đình và Xã hội)
WHO trấn an: Chưa có bằng chứng COVID-19 lây qua thực phẩm đông lạnh
Ít nhất 2 thành phố của Trung Quốc mới đây đã báo cáo tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Trong đó, 1 mẫu cánh gà đông lạnh (nhập khẩu từ Brazil) ở Thâm Quyến và 1 mẫu bao bì tôm đông lạnh (nhập khẩu từ Ecuador) ở Tây An đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Giới chức Thâm Quyến xác định lô cánh gà nói trên có nguồn gốc từ một nhà máy thuộc sở hữu của Aurora, nhà xuất khẩu thịt lợn - thịt gia cầm lớn thứ 3 ở Brazil.
Ảnh: Global Times
Báo cáo của chính quyền Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua bao bì và xâm nhập vào chuỗi thực phẩm.
Cùng lúc đó, chính quyền New Zealand tuyên bố đang tiến hành điều tra xem ổ dịch mới xuất hiện ở nước này có liên quan đến hàng nhập khẩu hay không.
Để trấn an dư luận, người đứng đầu Ủy ban Khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan cho biết người dân không nên e ngại việc tiếp xúc với thực phẩm, bao bì thực phẩm hoặc việc giao nhận thực phẩm. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan của thực phẩm hoặc chuỗi thực phẩm, ông Ryan nói.
Bà Maria Van Kerkhove - chuyên gia dịch tễ học của WHO cho biết Trung Quốc đã kiểm tra hàng trăm ngàn gói hàng, và phát hiện “rất, rất ít, dưới 10 mẫu” dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ và Bộ Nông nghiệp nước này trong một tuyên bố chung cũng khẳng định “không có bằng chứng cho thấy người dân có thể lây COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm”.
Các cơ quan y tế ở Thâm Quyến đã truy tìm, xét nghiệm tất cả những người có thể đã tiếp xúc với mẫu thực phẩm nhiễm virus, và tất cả các kết quả đều âm tính.
Tuy nhiên, chính quyền Thâm Quyến vẫn khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm từ thịt và hải sản nhập khẩu.
Trước đó, từ giữa tháng Sáu, Trung Quốc đã tuyên bố ngừng nhập khẩu một số loại thực phẩm, bao gồm cả từ Brazil.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)