COVID-19 ngày 21/5: Bệnh nhân 91 đã khỏi COVID-19, chuyển viện điều trị chờ ghép phổi

Ngày 21/05/2020 15:03 PM (GMT+7)

Hiện bệnh nhân 91 không có khả năng lây nhiễm, tái nhiễm virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển viện để tiếp tục điều trị bệnh lý nền.

Theo thông tin mới nhất từ Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, hiện tại bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đang có những tiến triển tốt. Tuy nhiên, tình trạng vẫn nặng, sống dựa vào ECMO và ghép phổi mới có khả năng sống cao nhất.

Đặc biệt, kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy bệnh nhân 91 đã có 6 lần âm tính. Theo đó, kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP HCM cũng không phát triển, không thấy khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2. Điều đó cho thấy bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19.

Ông Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19) cho biết, tính đến thời điểm này tất cả các bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.

COVID-19 ngày 21/5: Bệnh nhân 91 đã khỏi COVID-19, chuyển viện điều trị chờ ghép phổi - 1

Bệnh nhân 91 đã được chuyển viện để tiếp tục điều trị chờ ghép phổi.

Cũng liên quan đến trường hợp bệnh nhân 91, trong sáng ngày 21/5 Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa bệnh nhân từ BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM sang để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân 91 sẽ tiếp tục được điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời, tiếp tục hội chẩn để quyết định thời gian có thể ghép phổi khi đủ điều kiện.

Tính đến thời điểm được chuyển sang BV Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 đã trải qua hơn 2 tháng điều trị COVID-19, trong đó có 46 ngày chạy ECMO trong tình trạng rất nguy kịch.

Hiện kết quả chụp CT- Scan phổi lần 2 của bệnh nhân cho thấy, phần phổi phục hồi đã chiếm khoảng 20 đến 30%, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định, siêu âm tim ghi nhận thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏng.

Thổ dân Brazil chế thuốc gia truyền trị triệu chứng COVID-19 từ vỏ xoài, mật ong

Theo Daily Mail, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh chóng ở khu vực Amazon, khi khu vực này đã ghi nhận tới hơn 20.000 người mắc bệnh và 1.400 người tử vong. Cái tên COVID-19 nay đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cư dân bản địa. Bởi các bộ lạc địa phương từng không ít lần bị dịch bệnh ngoại lai tấn công.

Brazil hiện có khoảng 800.000 thổ dân, đến từ 300 bộ lạc. Trong số đó, có 537 người đã được xác nhận mắc COVID-19, với 102 người tử vong.

COVID-19 ngày 21/5: Bệnh nhân 91 đã khỏi COVID-19, chuyển viện điều trị chờ ghép phổi - 2

Thủ lĩnh một bộ lạc ở Brazil đeo khẩu trang mùa COVID-19. Ảnh: AP

Không cần áo bảo hộ, hay mặt nạ phòng thí nghiệm, một nhóm thầy lang bản địa cùng những chiếc mũ lông chim ở Brazil đã xuôi thuyền theo sông Amazon để tìm kiểm những cây thuốc mà họ cho là có thể điều trị triệu chứng COVID-19.

“Chúng tôi đã tự điều trị các triệu chứng của COVID-19 bằng phương pháp truyền thống, theo cách mà tổ tiên đã dạy chúng tôi”, Andre Satere Mawe – thủ lĩnh bộ lạc Satere Mawe ở một ngôi làng nhỏ ngoại ô Manaus nói.

Rosivane Pereira da Silva, 40 tuổi, là người đã giúp Andre Satere Mawe chuẩn bị những phương thuốc này. Da Silva học kĩ thuật bào chế dược liệu từ ông ngoại Marcos (93 tuổi). Khi đại dịch COVID-19 tấn công Amazon, “tôi đã đến và hỏi ông rằng mình phải làm gì”, Da Silva nói.

Các loại thuốc mà Andre Satere Mawe nhắc đến bao gồm các loại trà được làm từ vỏ cây carapanauba (có đặc tính chống viêm), cây saracuramira (một loại thuốc chống sốt rét) và các thành phần khác như vỏ xoài, bạc hà và mật ong.

Các thổ dân nghi ngờ mắc COVID-19 cho biết họ đã thử những loại thuốc này, và cảm thấy thực sự hiệu nghiệm. Valda Ferreira de Souza, một nghệ nhân 35 tuổi, nói: "Tôi cảm thấy rất mệt, cảm giác như có gì đó trong phổi, tôi không thể thở được. Sau đó, tôi uống siro tự chế, và cảm thấy khoẻ hơn rất nhiều.”

(Theo Tiền Phong)

Việt Nam thử nghiệm đợt 2 vắc-xin ngừa COVID-19

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) cho biết, các nhà khoa học sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 đợt 2 trên chuột vào đầu tháng 6.

"Đến nay, những đợt thử nghiệm đầu tiên đối với chuột đã cho ra những kết quả hứa hẹn. Thử nghiệm trên người sẽ cần thời gian lâu hơn, bởi tình hình cụ thể rất khác với những gì chúng ta từng thấy. Hiện tại chưa thể chắc chắn quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu”, ông Đạt chia sẻ.

COVID-19 ngày 21/5: Bệnh nhân 91 đã khỏi COVID-19, chuyển viện điều trị chờ ghép phổi - 3

VABIOTECH là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tiêm thí nghiệm vắc-xin chống COVID-19 cho chuột.

Ông Đạt cho biết, ngay từ cuối tháng 1, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Vũ Hán, sau khi có trình tự gen từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của VABIOTECH đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc-xin COVID-19.

“Vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh. Bước đầu tiên, phải kiểm tra được đoạn gene mình đã cài đặt có tính kháng nguyên hay không. Chúng tôi đã sử dụng động vật, tức chuột để làm mô hình đánh giá đầu tiên, xem chuột có đáp ứng miễn dịch, có sinh kháng thể hay không. Từ đó, mới tiếp tục những bước nghiên cứu tiếp theo”, ông Đạt cho hay.

Trong số rất nhiều chủng coronavirus có khả năng lây nhiễm ở người, đến nay mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là COVID-19. Cả 2 đại dịch lần trước, thế giới chưa có vắc-xin nào được thương mại hóa.

Ông Đạt cho biết thêm: “Nếu lần này sản xuất thương mại được vắc-xin phòng COVID-19 sẽ là một bước tiến rất lớn. Chúng ta không thể dự báo được trong tương lai có thể có thêm chủng coronavirus nào mới xuất hiện và gây đại dịch ở người. Nếu tình huống xấu xảy ra, khi đã có trong tay công nghệ vắc-xin rồi, lúc đó chỉ cần lắp ráp phần gene của chủng virus mới vào sẽ rất nhanh có vắc-xin mới.

(Theo Tiền Phong)

Bệnh nhân 261 - cụ bà 60 tuổi khỏi bệnh COVID-19, Việt Nam có 266 ca khỏi

Ngày 21/5, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, gồm một trường hợp tái dương tính và một cụ bà 60 tuổi.Như vậy, tổng số trường hợp được chữa khỏi COVID-19 ở nước ta đến thời điểm hiện tại là 266/324 (chiếm 82% tổng số bệnh nhân).

COVID-19 ngày 21/5: Bệnh nhân 91 đã khỏi COVID-19, chuyển viện điều trị chờ ghép phổi - 4

Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh hôm nay gồm: BN188 và BN261

Hai bệnh nhân này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Cụ thể:

BN188: 44 tuổi, nữ, địa chỉ Chương Mỹ, Hà Nội- BN là nhân viên căng tin BV Bạch Mai, được công bố tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh lần 1 ngày 16/4/2020.

Vào viện ngày: 28/3/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

- Hiện tại, BN tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, không ho, không khó thở. Tim đều, rõ, phổi không rales.

BN261: 60 tuổi, nữ, địa chỉ Mê Linh, Hà Nội

- Vào viện ngày: 12/4/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

- Hiện tại: BN tỉnh, tiếp xúc tốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không rales.

Tính đến sáng 21/5, Việt Nam ghi nhận tổng số 324 ca mắc COVID-19, đã 35 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.987, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 307
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.633
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.047
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 3 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 5 ca.

(Theo Sức khỏe Đời sống)

Phổi của bệnh nhân 91 tiến triển tốt, sắp được chuyển viện để điều trị tích cực chờ ghép phổi
Theo kết quả mới nhất, phổi của bệnh nhân 91 đang có chuyển biến tích cực, nhưng sự sống vẫn phụ thuộc vào ECMO.
Lê Phương - Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19