Nhiều phụ nữ mang thai cho rằng triệu chứng đau vùng lưng, vùng xương chậu xuất hiện như một lẽ thường tình. Tuy nhiên, có những dấu hiệu đau đang báo động cho những chấn thương nguy hiểm mà nhiều người vẫn chủ quan bỏ qua.
Chị Nguyễn Huỳnh Trúc Phương (31 tuổi, ngụ TP.HCM), đang mang thai đứa con thứ 2 và cũng là bệnh nhân đang điều trị đau lưng, đau xương chậu tại một trung tâm Chăm sóc sức khỏe Trị liệu thần kinh cột sống ở TP.HCM. Trước khi lấy chồng, chị Phương đã từng bị té xe nhưng do chỉ xây xát nhẹ và ê ẩm vùng mông, xương chậu nên chị đã bỏ qua, không thăm khám hay kiểm tra. Sau khi lấy chồng và sinh bé đầu lòng, chị Phương cũng bị đau lưng nhưng không nghiêm trọng.
“Nhưng mọi chuyện tệ hơn khi tôi mang bầu em bé tiếp theo, lưng và xương chậu của tôi đau nhức đến nổi không thể xoay hay gập người dù chỉ mới ở tháng thứ hai của thai kì. Những cơn đau này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sức khỏe và tâm lý khiến tôi lẫn gia đình vô cùng lo lắng”, thai phụ cho biết.
Ngay lần thăm khám đầu tiên, bác sĩ Paul D’Alfonso – Giám đốc trung tâm này đã cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức của chị Phương chính là do di chứng từ tai nạn xe lúc trước. Mặc dù bên ngoài không có xây xát nghiêm trọng nhưng vùng xương chậu của chị có thể đã bị chấn thương dẫn đến mất cân bằng trong thời gian dài. Cộng thêm việc chị thường xuyên bế và địu bé đầu lòng suốt hơn một năm càng khiến cơ thể chịu nhiều áp lực hơn và không chống chịu được khi bước vào giai đoạn thai kì thứ hai.
Lưng và xương chậu của chị Phương đau nhức đến nổi không thể xoay hay gập người dù chỉ mới ở tháng thứ hai của thai kì.
Đau lưng hay đau xương chậu không xa lạ gì với phụ nữ mang thai và thường xuất hiện ở những tháng sau khi thai lớn, tạo nhiều áp lực lên phần cột sống lưng, hông, xương chậu và các cơ xung quanh. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đau ngay từ khi thai kì bắt đầu nhưng chị em bỏ qua. Đôi khi, những cơn đau nhẹ hay nặng ngay từ những tháng đầu tiên khi mang thai là những dấu hiệu báo động của sức khỏe hay những chấn thương tiềm ẩn từ trước nên rất cần được thăm khám và điều trị phù hợp.
Bác sĩ Paul cho biết: “Hầu hết bà bầu luôn cố gắng chịu đựng những cơn đau lưng và đau xương chậu vì cho rằng đó là một phần tất yếu của quá trình mang thai, điều này là không đúng. Như trong trường hợp của chị Phương, cơn đau không chỉ đơn thuần là do mang thai mà còn vì những chấn thương lâu năm không được điều trị đúng. Vì vây, tôi khuyên các thai phụ khi gặp các cơn đau lưng hay đau xương chậu âm ỉ kéo dài nên đến ngay các phòng khám chuyên khoa. Nếu để lâu mà không can thiệp, các cơn đau này sẽ còn ảnh hưởng lâu dài cả sau khi sinh. Nếu sợ tác động không tốt đến thai nhi, các bà mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn những phương pháp nhẹ nhàng và an toàn như nắn chỉnh cột sống cường độ nhẹ, tập căng giãn cơ tại nhà,…”
Bên cạnh việc thăm khám điều trị, các mẹ bầu cũng cần thay đổi thói quen và lối sinh hoạt hàng ngày để có kết quả tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Cũng theo bác sĩ Paul, bên cạnh việc thăm khám điều trị, các mẹ bầu cũng cần thay đổi thói quen và lối sinh hoạt hàng ngày để có kết quả tốt nhất, một số gợi ý từ bác sĩ như sau:
Điều chỉnh tư thế
Thủ phạm lớn nhất trong việc gây ra những cơn đau mỏi cho bà bầu là việc cơ thể thai phụ luôn trong tư thế sai. Để trị đau lưng các bà bầu nên điều chỉnh lại các tư thế sinh hoạt hằng ngày của mình cho đúng.
Ngồi
Dử dụng một chiếc gối sau lưng để tựa, giữ cho vai và cột sống luôn thẳng. Bạn cũng có thể ngồi trên gối lõm hình chữ D. Không khom lưng khi ngồi, cũng không nên ngồi quá lâu. Động tác nghiêng hông 5-10 lần sau mỗi 20 phút ngồi làm việc cũng là một cách trị đau lưng cho bà bầu hiệu quả.
Đứng
Luôn đảm bao giữ vai và cột sống thẳng trong mọi tư thế. Đứng thẳng lưng bằng cách gập vai lại và nâng lồng ngực lên, tưởng tượng như có một sợi dây kéo lưng mình ra sau để chống lại việc đổ trong tâm cơ thể ra phía trước do trọng lượng của thai nhi để lưng và hông luôn được thẳng hàng. Cả khi đứng hay đang đi bộ mẹ bầu cũng nên duy trì tư thế này, di chuyển nhẹ nhàng tránh bị trượt ngã. Nên thư giãn sau mỗi 20 phút để lưng được nghỉ ngơi.
Nằm
Trong những tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu có thể nằm nghiêng trái hay nghiêng phải, sao cho thoải mái. Khi bụng ngày càng lớn dần, nên nằm nghiêng sang bên trái để hạn chế các áp lực nên tử cung, hạn chế sự chèn ép các mạch máu nuôi lớn ở bên phải giúp cho tuần hoàn và sự vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ đến bé được diễn ra liên tục, thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Mẹ bầu không nên nằm ngửa trong thai gian này, nó có thể làm nghẽn sự lưu thông máu đến thai nhi gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Để trị đau lưng các bà bầu cũng nên trang bị cho mình những chiếc gối thiết kế cho bà bầu dùng để kê đằng trước đằng sau lưng.
Lựa chọn trang phục và giày dép thích hợp
Khi mang thai, trong lượng cơ thể tăng dần. Việc mang giày cao gót có thể làm tăng gánh lên cột sống của bà bầu. Hơn nữa, mang giày cao gót cũng gây nguy cơ trượt ngã và tổn thương đến thai nhi.
Trong những tháng cuối, tử cung lớn dần gây chèn ép nên các động mạch gây nên hiện tượng sung phù, mẹ bầu nên hạn chế mang dép xỏ ngón. Nên chọn một đôi giày bệt, quai rộng rộng sẽ tốt hơn.
Thai phụ không nên mặc quần áo bó sát. Nên chọn trang phục vừa vặn để tạo sự thoải mái cho cơ thể.
Hoạt động nhẹ và tăng cường thể dục
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên tránh mang vác nặng để đảm bảo an toàn cho bé. Khi cần nâng một vật dưới sàn lên, hãy ngồi xổm và nâng vật lên nhẹ nhàng. Tuyệt đối không được khom lưng để nhấc vật lên. Khi cần thay đổi tư thế, bà bầu nên đứng lên và quay về vị trí cần, tránh vặn lung vì sẽ ảnh hưởng xấu đến cột sống.
Các bác sĩ khuyến khích phụ nữ mang thai nên thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ trong nhà như đi bộ, đạp xe, yoga…sẽ giúp trị đau lưng và xương chậu hiệu quả.
Việc phát hiện và điều trị các vấn đề ngay từ sớm sẽ giúp các mẹ bầu có một thai kì ổn định và thoải mái hơn. Đừng phớt lờ sức khỏe của mình để chào đón con yêu ra đời thật khỏe mạnh.