Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã vất vả, điều trị cho sản phụ F0 còn khó khăn và căng thẳng gấp nhiều lần bởi đó là cuộc chiến cam go giành giật sự sống cho cả mẹ và con ở lằn ranh sinh tử mong manh.
Dân gian có câu "người chửa cửa mả" để nói về mức độ nguy hiểm với phụ nữ khi thai nghén, sinh con. Bình thường đã vậy, khi mắc phải COVID-19 - dịch bệnh tàn khốc đang càn quét khắp thế giới, các mẹ bầu càng phải đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc gặp mặt và chia lìa mãi mãi với sinh linh bé nhỏ trong bụng mình cũng như những người thân yêu đang ngóng chờ.
Tối qua 8/9, bộ phim VTV Đặc biệt mang tên “Ranh giới” phát sóng trên kênh VTV1 đã khắc họa chân thực cuộc chiến giành giật sự sống cho sản phụ mắc COVID-19 của các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại khu K1 bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh).
Các bác sĩ hồi sức cho bệnh nhân. Hình ảnh trong "Ranh giới"
Theo thông tin tư liệu, ngày 21/7/2021, Bệnh viện Hùng Vương được sở Y tế TP HCM phân tầng điều trị biểu đồ hình tháp từ tầng 1 tới tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị COVID-19. Ngay lập tức Bệnh viện đã chuyển đổi tòa nhà “Cát Tường” thành khu K1 để điều trị sản phụ F0 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường. Và từ thời điểm ấy, tại đây không có khái niệm ngày hay đêm nữa, tất cả vận hành theo diễn biến nhịp thở của bệnh nhân.
“Em phải thở. Em phải thở để gặp con!”, “Không nghĩ đến việc gì khác, chị chỉ cần tập trung thở thôi!”, “Em phải tập thở, nếu không bệnh sẽ nặng lên"... Đó là những lời thúc giục, lời động viên được các bác sĩ nhắc đi nhắc lại với các sản phụ, để thấy rằng, ở nơi "ranh giới" ấy đến cả việc tưởng như là bản năng sinh tồn là thở cũng nhọc nhằn biết bao.
Tính từ 30/5 đến 1/9 năm nay, khu K1 Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0. Trong đó có 804 ca mẹ tròn con vuông, 5 ca tử vong tại khu K1, 57 ca nặng chuyển lên bệnh viện tầng 5 trong tháp điều trị Covid-19.
Trong suốt khoảng thời gian này, các y bác sĩ đã phải đứng trước rất nhiều ranh giới và sự lựa chọn để bảo vệ sinh mạng cho cả mẹ và con sản phụ mắc COVID-19.
Các y bác sĩ tranh thủ dựa tường hành lang chợp mắt khi quá mệt. Hình ảnh trong "Ranh giới"
Giữa không gian khu điều trị đầy ắp bệnh nhân, với tiếng máy móc bíp bíp liên hồi, tiếng chuông điện thoại không ngớt, tiếng ho và tiếng gọi khó nhọc của bệnh nhân…, các y bác sĩ khu K1 hầu như không có phút ngơi nghỉ.
“Mỗi bệnh nhân qua khu K1 này là không có người nhà luôn, nên đó là cái thiệt thòi của những sản phụ vào lúc này. Cái khó xử ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc nên mình bù đắp được gì cho họ thì bù”, bác sĩ gây mê Lữ Thị Khánh Phương tâm sự.
Ngoài việc thực hiện các chỉ định điều trị, các y bác sĩ không chỉ bón cho bệnh nhân từng miếng cháo, ngồi bóp bóng cho bệnh nhân thở khi thiếu máy thở, gỡ từng sợi tóc dính bết cho sản phụ sau những cơn sốt cao mê mệt... mà còn còn khích lệ từng mẹ cố gắng vượt qua nỗi sợ, động viên về tình trạng em bé trong bụng, đánh thức bệnh nhân khi nồng độ oxy trong máu tụt sâu, dọn từng bãi nôn...
Các nhân viên y tế nhắc bệnh nhân cố gắng ngủ vì thức sẽ mệt lắm nhưng chính họ hầu như chẳng mấy lúc được nghỉ ngơi, lúc mệt quá ngồi dựa tường hành lang tranh thủ chợp mắt.
Sản phụ rạng ngời khi nghe bác sĩ động viên đang khỏe dần. Hình ảnh trong "Ranh giới"
Nhưng những khoảnh khắc thách thức nhất của những “chiến sĩ áo trắng” ấy có lẽ là khi họ phải đứng trước những quyết định khó khăn như buộc phải chấm dứt thai kỳ để nỗ lực cứu mẹ hay chứng kiến bệnh nhân ra đi mà chẳng thể làm gì thêm.
“Khi mình phải chấm dứt một chuyện nào đó, nó như có một cái gì hụt hẫng trong con người mình”, bác sĩ Nguyễn Thị Hảo, Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ sau khi chị phải gọi điện thông báo cho người chồng biết tình trạng vợ anh đang rất xấu và buộc phải lấy thai nhi 21 tuần tuổi ra để giảm áp lực oxy cho mẹ.
“Cũng chỉ biết nén nước mắt chứ chẳng thể làm gì hơn nữa”, “Không cứu được, đau lắm! Khi thấy một bệnh nhân bị vậy nó đau từ trong tim, tất cả bao nhiêu con người mà cũng không cứu được”... là nỗi lòng của những “người lính không có súng” khi họ không thể giành được mạng sống của sản phụ từ tay tử thần.
Nữ hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang, khu K1, Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ: "Ranh giới sống - chết thật quá mong manh khiến con người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn".
Thực tế, trong những ngày phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân, chính các nhân viên y tế cũng thường trực đối diện với nguy cơ nhiễm Covid-19.
Tính đến ngày 1/9, đã có 125 y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện Hùng Vương bị nhiễm Covid-19. Sau 21 ngày chữa bệnh, cách ly, họ lại trở lại với công việc, với những bệnh nhân của mình.
Bản thân nữ hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang, sau 18 ngày làm việc tại khu K1, đã bị nhiễm COVID-19. Chị và con trai phải vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16, phường Phú Nhuận, quận 7, TP HCM.
“Chị vừa ra trận có mấy tuần thôi mà đã bị dính như vậy, là một sự đáng tiếc vì chị không có thời gian cống hiến dài hơn. Chị hy vọng khỏe còn về làm được vì công việc ở bệnh viện còn nhiều dữ lắm”, chị Trang chia sẻ với một tình nguyện viên đang điều trị cho mình tại Bệnh viện dã chiến.
“Sự sống nảy sinh từ cái chết. Hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”, chị Trang mượn lời của nhà văn Nguyễn Khải, vừa để nhắc nhở chính mình, các đồng nghiệp, những đang chiến đấu ngày đêm với đại dịch.