Thai phụ 32 tuổi sắp sinh con được chẩn đoán mắc bệnh mụn cóc sinh dục khiến hai vợ chồng nghi ngờ lẫn nhau. Cuối cùng sự thật đã được bác sĩ phơi bày.
Một bà mẹ 32 tuổi sắp sinh con đầu lòng, do giai đoạn sau của thai kỳ thường thấy âm đạo tăng tiết dịch nhờn và ngứa ngáy ở bộ phận sinh dục nên đã mua thuốc bôi trị ngứa nhưng càng ngày càng ngứa. Vì vậy, người phụ nữ đã cùng chồng tới bệnh viện khám.
Bác sĩ Li Weihao, thuộc Khoa Phụ sản của Bệnh viện Zhenxing (Đài Loan) đã tiếp nhận trường hợp này cho biết người phụ nữ khi tới viện phàn nàn rằng từ lâu "phía dưới" của cô đã ngứa ngáy không chịu được, phải lấy tay gãi. Nhưng thời gian gần đây, cô bắt đầu thấy "vùng kín" sưng tấy, đau và ngứa hơn, chảy nhiều dịch rất khó chịu.
Bác sĩ Li Weihao đã thực hiện một cuộc kiểm tra phụ khoa cho thai phụ. "Đó là một cuộc kiểm tra khủng khiếp. Âm hộ của nữ bệnh nhân đầy những vết mụn nhỏ, đó là mụn cóc sinh dục.", bác sĩ Li Weihao kể lại.
Người phụ nữ mắc bệnh tình dục khi mang thai bị chồng nghi ngờ "ăn vụng". (Ảnh minh họa)
Sau đó, bác sĩ giải thích tình trạng bệnh cho hai vợ chồng và nói bệnh có thể lây qua hoạt động tình dục. Khi nghe vậy, người chồng liền tức tối nói sợ ảnh hưởng đến thai nhi khi mang thai nên hai vợ chồng thời gian qua không quan hệ, nghi vợ có bầu vẫn lăng nhăng. Còn người vợ thì khẳng định bản thân trong sạch, cho rằng chồng ăn vụng bên ngoài nên về lây bệnh cho vợ. Cả hai lời qua tiếng lại trong phòng khám.
Bác sĩ Li Weihao phải cố gắng trấn an họ và tiếp tục giải thích rằng một số virus u nhú tiềm ẩn ở người (virus HPV) có thể bùng phát trong thời kỳ mang thai do khả năng miễn dịch suy yếu. Trước đây, đã có trường hợp phụ nữ mang thai bị ung thư cổ tử cung.
Lúc này, nữ bệnh nhân mới nói cách đây hơn 1 năm đã soi cổ tử cung ở bệnh viện khác và thấy phết tế bào cổ tử cung có điều bất thường, có sự xuất hiện của virus HPV. Sau khi nghe bệnh nhân trình bày, bác sĩ Li Weihao giải thích có thể do người phụ nữ đã từng bị nhiễm virus HPV, do khả năng miễn dịch khi mang thai bị giảm sút, virus tiềm ẩn ban đầu có cơ hội bùng phát gây bệnh.
Người phụ nữ bị nhiễm virus HPV từ trước, trong thời gian mang thai do hệ miễn dịch suy yếu nên virus có cơ hội bùng phát thành bệnh. (Ảnh minh họa)
Để loại bỏ mụn cóc sinh dục cho thai phụ, bác sĩ đã sắp xếp phương pháp áp lạnh và tiếp tục bôi thuốc mỡ sau khi sinh mổ cho đến khi tình trạng được cải thiện.
Bác sĩ Li Weihao cho biết do mụn cóc sinh dục trong quá trình mang thai có thể tiếp xúc với thai nhi và gây nhiễm trùng, nghiêm trọng có thể khiến thai nhi mọc mụn cóc trong cổ họng và khí quản, gây tắc nghẽn đường hô hấp. Vì vậy, nếu phụ nữ mắc mụn cóc sinh dục khi mang thai thì phải chọn sinh mổ để tránh truyền bệnh cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ Li Weihao cũng chỉ ra rằng virus HPV có thể được chia thành hai loại nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Loại nguy cơ cao dễ gây ung thư và loại nguy cơ thấp dễ biến thành mụn cóc sinh dục.
Phụ nữ mang thai làm thế nào để tránh bị mụn sinh dục?
Mụn cóc sinh dục thường lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn cần:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây lan
- Thường xuyên đi xét nghiệm HPV
- Tiêm ngừa vaccine HPV nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh mụn cóc sinh dục, mụn cóc thông thường, sùi mào gà, u mềm lây…
- Không tiếp xúc với các sẩn ngứa, vết loét, u nhú… trên da của người khác
- Tích cực điều trị trong thời gian mang thai để giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho trẻ.