Người đàn ông không may mắc căn bệnh ung thư dương vật sau khi kết hôn được 2 năm.
Ông Lý, 50 tuổi ở Thiểm Tây, Trung Quốc mới cưới một người vợ kém mình 20 tuổi vào đầu năm ngoái. Đến cuối năm, vợ ông đã sinh một cậu con trai kháu khỉnh, cả gia đình rất hạnh phúc.
Tuy nhiên niềm vui chẳng kéo dài bao lâu khi suốt nửa năm qua, ông Lý bị nổi nhiều vết loét ở vùng kín, tưởng chỉ là nhiễm trùng đơn giản nên mua thuốc bôi vào. Nhưng sau khi bôi một thời gian, không những không thuyên giảm mà vết loét trên bộ phận sinh dục của ông ngày càng lớn, việc đi tiểu bị ảnh hưởng, trên đầu "cậu nhỏ" còn nổi lên một cục u khiến ông rất khổ sở.
Thậm chí vì tình trạng này mà vợ chồng ông mẫu thuẫn. Người vợ trẻ nghi ngờ ông ngoại tình nên mới mắc bệnh, thậm chí còn chê bai rằng ông già rồi cưới được vợ trẻ như cô còn không biết hưởng phúc lại đi cặp bồ.
Người đàn ông 50 tuổi chưa kịp vui mừng vì có con trai với người vợ trẻ đã phải đón nhận tin mắc ung thư.
Vì những lời nói của vợ, ông Lý không còn quan tâm đến vấn đề thể diện nữa và quyết định đến bệnh viện để kiểm tra nhằm chứng minh bản thân trong sạch. Kết quả, ông Lý quả thực không mắc bệnh tình dục nhưng ông lại được chẩn đoán mắc ung thư dương vật, đang ở giai đoạn từ giữa đến cuối.
Bác sĩ cho biết, phương pháp điều trị duy nhất là cắt bỏ bộ phận sinh dục. Sau khi về nhà và bàn bạc với gia đình, ông Lý đã đồng ý với đề nghị của bác sĩ. Cuối cùng, ông đã cứu được mạng sống nhưng kể từ đó đời sống tình dục cũng coi như chấm dứt. Dù vậy, vợ chồng ông vẫn cảm thấy may mắn vì vẫn kịp sinh được đứa con.
Tại sao "cậu nhỏ" cũng có thể bị ung thư?
Ung thư "cậu nhỏ" hay dương vật có tỷ lệ mắc bệnh khác nhau giữa các chủng tộc và khu vực. Tỷ lệ mắc bệnh ở Châu Âu và Mỹ đều dưới 1/100.000, tỷ lệ mắc bệnh ở một số khu vực Châu Phi/Nam Mỹ có thể lên tới 19/100.000. Dữ liệu lâm sàng cho thấy ung thư "cậu nhỏ" tương đối phổ biến ở những người trong độ tuổi 40-60.
Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa rõ ràng, nhưng những yếu tố sau đây được cộng đồng y tế công nhận là có nguy cơ cao gây ung thư và nên tránh.
Một là bệnh hẹp bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu sẽ khiến môi trường xung quanh bộ phận sinh dục nam không được vệ sinh sạch sẽ và dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng mãn tính tái phát. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại sẽ gây kích ứng liên tục cho bộ phận sinh dục và làm tăng nguy cơ ung thư.
Thứ hai là nhiễm virus HPV. Nhiễm HPV tuýp 16 và 18 không chỉ là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ mà còn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư miệng ở nam giới. Khoảng 50% bệnh nhân ung thư dương vật bị nhiễm HPV 16 và 18.
Thứ ba là hút thuốc. Hút thuốc chủ động hoặc thụ động đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư "cậu nhỏ" ở nam giới.
Điều trị ung thư dương vật như thế nào? Liệu nó có ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng không?
Bác sĩ Wang Yang, Khoa Tiết niệu, Bệnh viện trực thuộc Đại học Thành Đô, chỉ ra rằng điều trị lâm sàng ung thư dương vật chủ yếu có hai hướng, một là cắt bỏ tổn thương nguyên phát, hai là xử lý các hạch ở vùng di căn. Kế hoạch điều trị chủ yếu dựa trên phẫu thuật, bổ sung bằng laser, xạ trị,...
Phương thức điều trị đối với các diễn biến bệnh khác nhau cũng khác nhau, nếu khối u chỉ giới hạn ở bao quy đầu thì chỉ cần cắt bỏ bao quy đầu; nếu khối u đã xâm lấn và lan sang các bộ phận khác thì phải cắt hạch bẹn và xạ trị, hóa trị bổ trợ để củng cố điều trị; nếu khối u đã xâm lấn đến được thể hang dương vật và niệu đạo, một phần cơ quan sinh dục cần phải được cắt bỏ ở khoảng cách 5 đến 10mm so với mô khối u.
Một số nam giới lo ngại nếu bị ung thư dương vật thì sau phẫu thuật có còn quan hệ được không? Câu hỏi này cần được giải đáp tùy từng trường hợp cụ thể, nếu cắt bỏ toàn bộ dương vật thì đương nhiên bạn sẽ không thể quan hệ tình dục được nữa. Nhưng nếu chỉ cắt bỏ một phần thì sẽ không ảnh hưởng lớn đến đời sống tình dục của bạn.